Anh Nguyễn Giang (Q.5, TPHCM) có 3 đứa con đồng loạt "nghỉ hè sớm". Ban đầu anh rất lo lắng, không biết cách nào quản hết 3 tên "giặc" với lịch học online và ăn uống ngủ nghỉ dày đặc.
Anh quyết định sẽ giao nhiệm vụ cho từng đứa con. Ví dụ đứa lớn phải phụ chơi với em khi ba bận việc. Anh lớn phải giúp trông, chơi cùng em nhỏ. Việc nhà cũng chia cụ thể để các con luôn bận rộn. Thỉnh thoảng, anh chỉ nhắc nhở các con ngồi vào học online theo quy định của nhà trường đúng giờ, nghiêm túc.
Chị Mai Ngọc (Q.8, TPHCM) chia sẻ, đợt dịch năm ngoái, chị còn làm tại một trung tâm Anh ngữ và là mẹ đơn thân của hai bạn nhỏ nên rất khó khăn. Thời gian đầu chị gửi cho cô bảo mẫu gần nhà, nhưng sau đó vì chi phí khá cao và cô cũng chỉ giữ bé, cho ăn, thời gian còn lại các bé xem tivi hoặc chơi game nên sau đó chị lại gửi con về nhà ngoại.
Năm học này, chị phải ở nhà làm bánh và bán online để tiện chăm con. Đầu tiên chị thoả thuận cùng con rằng dù mẹ ở nhà, nhưng sẽ có những khung giờ mẹ làm việc. Các con có thể chơi đồ chơi, chơi cùng nhau và không được làm phiền mẹ. Ngoài ra, việc nhà sẽ được chia nhau, anh hai thì giặt đồ phơi đồ, em trai thì quét nhà lau nhà, phòng các con thì các con tự dọn dẹp….
Bên cạnh đó, hai bé cũng được mẹ rèn viết chính tả và học tiếng Việt. Mỗi ngày một tiếng vào buổi sáng, buổi chiều tối sẽ được học môn toán, môn học yêu thích của hai bạn, từ các trang mạng hay sách lớp lớn.
Tranh thủ giờ rảnh các bé tranh thủ học tiếng Việt, môn học khó vì chương trình dạy khá nhanh.
Hay như bé Mi (nhà ở Q.2, TPHCM) được mẹ lên kế hoạch với khá nhiều việc như: học đàn với gia sư, bơi tại hồ bơi chung cư, dọn dẹp phòng học… Với lịch học online kéo dài hết tháng 6, bé bận rộn như những ngày chưa có dịch.
Với các trường chưa kết thúc năm học, việc học online vẫn tiếp tục diễn ra.
Đối với phụ huynh phải đi làm, không thể ở nhà trông con, đa số chọn giãi pháp gửi con cho ông bà ở quê. Tưởng như vậy, mọi việc đơn giản hơn nghỉ việc ở nhà giữ con. Tuy nhiên ông bà thường nuông chiều cháu, khiến các nền nếp, kỷ luật mà ba mẹ tập cho con bị thay đổi.
Như chị Diễm (Bình Chánh, TPHCM) sau khi gửi con về cho bà ngoại ở Long An, bé Linh 4 tuổi từ việc tự xúc ăn lại chuyển thành được bà đút, vì bà sợ cháu không ăn nhiều, sẽ gầy. Chưa kể còn vừa ăn vừa xem tivi, cả ngày đều coi Youtube, khiến chị Diễm rất đau đầu.
Con chị Diễm không phải học trực tuyến nên bà không cần giúp cháu vào mạng để học. Rất nhiều học sinh tiểu học đành bỏ các tiết học online vì ông bà ở quê vốn không rành công nghệ, không thể hỗ trợ cháu hay nhắc nhở.
Nói một cách tích cực như thầy Dương Quang Minh - cố vấn chuyên môn hệ thống trường Tuệ Đức - với nhiều câu hỏi hóc búa từ phụ huynh, thầy trả lời rằng: phụ huynh cần hiểu đây là một cơ hội để mình dạy con. Chính những thời điểm dịch bệnh, các con được nghỉ học nên nhiều thời gian ở nhà, không bị cuốn theo bài vở gấp gáp ở trường, đây là lúc để rèn các kỹ năng mềm cần thiết như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà… dẫu bên cạnh đó là rất nhiều những khó khăn và lo lắng của phụ huynh.