Tôi lớn lên ở vùng ngập mặn ngoại thành, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Mùa mưa, nước nguồn đổ về rửa mặn, các loại cá nước ngọt theo dòng đến đây sinh sôi. Mùa nắng, nước biển xâm nhập sâu, tôm cua và cá nước lợ cũng kéo về mở hội.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, có những đêm về sáng, đang ngủ ngon trên giường bỗng dưng nghe thình thịch những bước chạy trên con đê và tiếng đàn ông liên tục hét lên: "Tôm nổi, tôm nổi bà con ơi!". Mọi người nhanh chóng chui ra khỏi mùng, vặn lớn ngọn đèn dầu, soi tìm thau và rổ rồi đua nhau ra kênh bắt tôm. Khi dòng kênh vừa cạn vừa dậy bùn, tôm bị ngộp, phải ngoi lên mặt nước, chúng tôi thò tay bắt dễ dàng.
Mùa tôm nổi cũng là mùa con ruốc sinh sôi. Ruốc còn gọi là tép rong, một loại tép nhỏ xíu, thường sống nép vào rong rêu hay các bụi cỏ nước.
Không biết bắt nguồn từ đâu có sự phân chia tự nhiên rạch ròi trong xóm: đàn ông bắt tôm, phụ nữ và trẻ con xúc tép. Dụng cụ để bắt tép rong là cái vừng. Vừng trông giống cái sàng.
Má tôi tự tay vót tre tạo khung tròn rồi căng lên một lớp lưới nhựa có lỗ nhỏ. Năm nào vào mùa xúc tép rong má cũng làm hai cái vừng, một lớn một nhỏ. Cái nhỏ là của tôi.
Khi nước cạn nửa lòng kênh, xuôi theo dòng, tôi và má, mỗi người một bên bờ, cùng nhau xúc tép. Tôi say mê nghiêng vừng cho đám tép nhỏ đông đúc tranh nhau nhảy vào thúng tạo âm thanh rào rào vui tai, cứ như đang hào hứng với một trò chơi. Có lúc ngẩng lên thì nước đã đứng lớn, tức là hai luồng chảy ngược dòng bắt đầu giao nhau trong sự tĩnh lặng. Nhanh chóng sau đó, nước từ biển đổ vào mạnh hơn và mực thủy triều tăng dần, dòng chảy đổi chiều.
Thúng lớn nửa giạ của má và thúng nhỏ một phần tư giạ của tôi đầy ắp tép tươi. Tay xách nách mang về nhà sẽ rất nặng, vì vậy chúng tôi nương con nước, cho thau thúng trôi theo dòng, cùng quay trở lại điểm xuất phát trên chính con kênh ấy.
Ngoài các món thơm lừng đặc trưng từ tép tươi, mùi hương đeo đẳng trong ký ức tôi là mùi mắm ruốc đồng làm từ con tép rong.
Tôi nhớ như in cách má dạy con gái làm mắm. Tỷ lệ mười chén tép một chén muối hột, cho thêm một ít rượu gạo, trộn đều và đậy kín nắp rồi ủ dưới ánh mặt trời hai giờ đồng hồ, sau đó mang vào nhà đặt nơi yên tĩnh. Sáng hôm sau, má dùng tấm vải mỏng vắt khô mớ tép, phơi riêng phần nước và phần xác. Đến khi xác tép khô giòn, dùng chày giã hoặc cối xay nhuyễn thành bột rồi trộn chung phần nước.
Má dặn mỗi ngày đều phơi hỗn hợp dưới nắng, cho đến khi nào mắm kẹo sệt và tỏa mùi hương đặc trưng.
Phải là dân xứ mắm mới ngửi được hương thơm quyến rũ lạ kỳ của mắm chín tới. Múc một muỗng mắm đỏ au, thêm tỏi ớt, chút đường là đã có món ngon đơn giản cho chén cơm nóng. Nếu nhỏ vào vài giọt chanh, chén mắm sẽ sùi bọt, nở phồng lên và dậy hương.
Cuối mùa tép, má tôi giữ lại đủ lượng mắm dùng cho cả năm. Dù vậy, nó chỉ chiếm một phần nhỏ xíu. Tất cả chỗ mắm còn lại, má đem ra chợ bán. Phần của tôi bán được bao nhiêu, má cho hết để dành mua sắm quần áo, dụng cụ học tập hoặc ăn quà vặt. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác hãnh diện mỗi khi nhận tiền bán mắm, vẫn tự hào mình là đứa trẻ biết kiếm tiền từ sớm…
Theo thời gian, con kênh xưa vẫn còn đó nhưng chất thải sinh hoạt từ nội thành và các khu công nghiệp khiến dòng nước ô nhiễm nặng. Con tép rong biến mất. Bây giờ không còn ai đặt chân xuống dòng kênh bất kể nước lớn nước ròng.
Nhớ mùi hương cũ, thỉnh thoảng tôi mang về hũ mắm ruốc biển từ siêu thị, thử thêm chanh vào, không thấy mắm sôi lên như ruốc đồng. Vẫn là mắm ruốc nhưng sao tôi nhớ quá hương vị cũ.