Trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên có chiến loạn, người ta tôn vinh mẫu đàn ông dũng cảm, cường tráng, thao lược. Đây là mẫu "alpha male" điển hình: Một con sói đầu đàn (alpha wolf) can trường, kiêu hãnh và vững chãi.
Khi xã hội bình an, ổn định và dư dả vật chất hơn, hình tượng "chuẩn men" dần thay đổi. Đàn ông không thể quá thô lỗ và võ biền khi không còn là "trai thời loạn". Lúc này, phụ nữ, trẻ em cùng mọi người đòi hỏi ở đàn ông những phẩm chất khác như ôn hòa, lịch lãm, yêu gia đình, chăm chỉ…
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Một cô gái nông thôn quen việc đồng áng sẽ phải lòng người con trai khỏe mạnh, tháo vát, cần mẫn như chàng A Phủ trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Cô gái lớn lên ở thành thị thì lại có gu khác: Có thể là "bad boy" phong trần bụi bặm; thư sinh nho nhã thanh tao hoặc nam diễn viên đẹp trai nổi tiếng. Có cô mê mệt mẫu đàn ông tròn trịa "sổ sữa", phúc hậu, giỏi nấu nướng…
Nữ sinh cấp II, cấp III quan niệm về "chuẩn men" khác hẳn phụ nữ trưởng thành. Đây là lý do Nhật Bản phân biệt truyện tranh cho thiếu nữ (shoujo manga) với truyện tranh cho phụ nữ (josei manga).
Trong truyện tranh thiếu nữ, nhân vật nam chính thường được vẽ theo mô-típ mỹ thiếu niên (bishounen): mặt mũi thanh tú, thân thể cân đối, đôi khi mảnh khảnh. Tính cách nam chính có thể ấm áp, chân thành, giỏi thể thao hoặc lạnh lùng nhưng chung tình, có quá khứ bất hạnh.
Ở thể loại truyện tranh cho phụ nữ, hình tượng nam chính có độ tuổi từ 20, 30 cho đến trung niên. Họ là các quý ông chín chắn, từng trải, tinh tế, có nhiều phẩm chất hợp thị hiếu phụ nữ trưởng thành.
Thành ngữ Việt Nam có câu: "Chín người mười ý". Dù gu "chuẩn men" của chị em rất đa dạng, ta vẫn suy đoán được mẫu đàn ông "được lòng" nữ giới, dựa vào khác biệt giữa nam tính và nữ tính.
"Từ khóa" của nam tính là hào sảng, cứng rắn, gan dạ, lý trí, thích cạnh tranh. Nữ tính thì thiên về sự chăm sóc nuôi dưỡng, nhu mì, giàu tình cảm, lãng mạn. Giống như biểu tượng âm dương của Đạo giáo, một chàng trai không hoàn toàn có tính cách "thuần nam", một cô gái "thuần nữ". Hai giới đều ít nhiều có một phần của giới kia trong tâm hồn mình.
"Đàn ông đích thực" sở hữu nhiều tính nam hơn tính nữ. Tuy nhiên, anh ấy vẫn cần có chút mềm mỏng, dịu dàng tinh tế để trở thành "chuẩn men" trong mắt phụ nữ. Với những anh giàu nữ tính hơn, đừng vội tự ti mình "ẻo lả", yếu đuối. Bởi các anh có lợi thế nhờ sự ôn hòa, dễ đồng cảm và chu đáo. Quan trọng là biết hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Một chàng trai luôn cố gắng vươn lên, biết bảo vệ che chở cô gái mình yêu thì rất xứng đáng nhận danh hiệu "chuẩn men". Ý chí quyết tâm chính là biểu hiện của nam tính.
Phụ nữ thời nay càng lúc càng năng động, tháo vát nên nhiều đàn ông thấy bị lép vế, cho rằng phụ nữ không cần mình, hoặc ỷ lại "vì cô ấy giỏi quá". Ôi đàn ông ơi! Phụ nữ có tỏ ra sắc sảo vững vàng tới đâu, sâu thẳm trong tim họ vẫn muốn được nép vào một vòng tay ấm áp, được nghe câu trấn an: "Đừng sợ! Có anh đây!".
Khi phái nữ kết hôn, một trong những điều họ cần nhất là cảm giác an toàn. Cảm giác ấy đến từ cái tủ lạnh luôn đầy ắp thức ăn, "ngân khố" gia đình luôn có sẵn khoản tiền phòng xa, và trên hết là một người chồng chung thủy, đáng tin cậy như trụ cột chống đỡ cả ngôi nhà.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Nói đi cũng phải nói lại. Chị em có quyền mơ về mẫu người lý tưởng của mình, miễn đừng đòi hỏi một anh chàng thập toàn thập mỹ. Mọi thứ trên thế gian đều bất toàn, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Trong tình yêu, cần biết trân trọng, dung hòa, bổ trợ lẫn nhau thay vì phán xét, săm soi, "cải tạo" người kia theo ý mình. Hãy nhớ gu "chuẩn men" mỗi cô một khác. Vài trường hợp không hẳn tại đàn ông tồi, mà do tính cách chàng không vừa với cái "khuôn" của nàng. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:
Người chồng vốn hào phóng, thoải mái, chiều vợ. Cô vợ thì hay nhõng nhẽo, tâm trạng thất thường như gái mới lớn. Lúc có thai và thèm ăn vặt, cô "bắn tín hiệu" mãi mà chồng cứ ngây ngô chẳng hiểu. Cuối cùng hết chịu nổi, cô phải nói thẳng ra. Anh lập tức đưa vợ đi ăn món cô thích, ai ngờ đang ngồi ăn, cô bỗng bật khóc, oán trách chồng rồi đùng đùng bỏ về. Anh chỉ biết ngớ người ra vì sốc. Thì ra… cô vợ liếc thấy cặp tình nhân bàn bên, cậu trai bóc tôm, đút cho "gấu" ăn thì tủi thân vì chồng không ân cần được như vậy.
Người chồng trong câu chuyện cần người vợ cư xử thẳng thắn hơn, nói ra nhu cầu và cảm xúc của mình. Người vợ lại đòi hỏi chồng biết đón ý, thấu hiểu tâm can mình. Ai đúng ai sai? Tất cả chỉ vì hai bên "trật nhịp" trong giao tiếp, chắc gì đã do anh chồng không "chuẩn men".
Suy cho cùng, khái niệm "chuẩn men" của phái nữ như câu nói nổi tiếng của triết gia người Đức: "Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt kẻ si tình" (Immanuel Kant). Chừng nào người ta còn yêu và còn biết cố gắng vì nhau, chừng đó họ còn thấy nửa kia là "chuẩn men" của đời mình.