Từ nhỏ đến lớn, món thịt gà leo cây đã theo tôi trong những bữa cơm gia đình. Những hôm trời mưa không thể đi chợ, mẹ lại cắt thịt gà leo cây ra, chiên vàng sém, xé nhỏ chấm nước mắm thật nhiều ớt cay. Cả nhà vừa ăn vừa chảy cả nước mũi, vừa xuýt xoa: “thịt gà leo cây sao mà ngon thế”. Quả thật hương vị đậm đà của nó đã ăn một lần thì không thể quên được. Vừa có vị mặn và vị chua vừa phải, vừa thơm mùi của tỏi, lá chanh, lại vừa cay nồng thật thích hợp cho mùa se se lạnh. Đứa nào đứa nấy cũng ăn ba, bốn bát cơm rồi tu một cốc nước. Thật không gì ngon bằng.
Xơ mít muối (nguồn internet)
Thuở ấy, kinh tế gia đình tôi không khá giả gì mấy, giàu mỗi vườn mít trĩu quả. Cứ đến mùa mít chín, chị em tôi lại tranh nhau những múi mít đậm đà, thơm đến ngào ngạt. Khi ăn hết múi mít, còn lại những cọng xơ vàng óng ả còn bám lại, mẹ lại sai chúng tôi đi kiếm mo cau hoặc lá chuối còn tươi và mềm. Mẹ tôi lấy một cái thìa nhỏ có sắc cạnh, cạo cạo, vén vén những cọng xơ mít còn bám lại một chỗ, bỏ một nhúm muối vào, đập dập tỏi, cắt lá chanh, thêm vào ít lát ớt tươi rồi trộn lại với nhau thật kỹ.
Xơ mít
Mo cau rửa sạch, chọn cái còn xanh, còn dẻo để dễ gói. Tất cả các hỗn hợp trên mẹ cho vào mo cau, gói chúng lại, ép thật chặt, cất vào nơi khô ráo, sạch sẽ. Đến khoảng 10 ngày sau, chúng được nén chặt lại, mẹ mở ra, lấy dao cắt thành từng miếng mỏng, chiên lên rồi xé nhỏ trông thật giống thịt gà xé. Đĩa gà xé được bày lên trông thật thích mắt. Chúng tôi thi nhau chấm nước mắm cay thật là cay ăn với cơm. Năm nào cũng vậy, đến mùa mít chín là nhà tôi lại có tới vài chục mo cau đựng “thịt gà”.
Lớn lên, đi học đại học, thỉnh thoảng mẹ vẫn gửi vài mo cau đựng thịt gà leo cây cho tôi. Mấy đứa bạn vừa ăn vừa hỏi bí quyết làm món “thịt gà leo cây”. Tôi cười tủm tỉm, vừa ăn với tụi bạn, vừa cay cay nơi khóe mắt. Bạn tôi hỏi: “Khóc gì vậy mày?”. Tôi cười với tụi nó bảo: “khóc đâu mà khóc, thịt gà leo cây sao cay quá tụi mày nhỉ?”
Tin, bài cộng tác cho chuyên trang Phụ Nữ, vui lòng gởi về phunu@nld.com.vn