Nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 13 km, động Batu là một địa điểm du lịch thu hút khá nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới vì có đền thờ Ấn độ giáo ở độ cao 100m. Nơi đây cũng được coi là thánh địa của người Ấn Độ sinh sống tại Malaysia.
Tượng thờ thần khỉ Hanoman tại cổng dẫn vào động Batu
Bạn sẽ hơi thất vọng về động Batu vì nếu so với hệ thống hang động ở Việt Nam thì động này thuộc hàng “cháu chắt” về mức độ lung linh, thạch nhũ ít hơn, hệ thống động không có gì hấp dẫn. Tuy nhiên, dọc đường đi, các kiến trúc tiêu biểu và chạm khắc của người Ấn sẽ khiến bạn quên đi cảm giác cheo leo và hơi sợ khi phải leo 272 bậc thang ở độ cao dốc đứng.
Do đây là thánh địa của Ấn độ giáo nên thần khỉ Hanuman được tôn thờ. Hanuman cũng là một nhân vật trong thần thoại Hindu, được kể lại trong bộ sử thi vĩ đại Ramayana. Hanuman rất sùng bái bạn mình, vị vua Rama dũng cảm. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana , Hanuman là người phụng sự vua đắc lực nhất, trung thành với vua nhất. Thế nên hàng bao thế kỷ qua người Ấn Độ cho rằng sùng kính thờ phụng Hanuman thì chắc chắn sẽ được Hanuman phù hộ khỏi bị tà ma quấy phá.
Chính vì đức tin của mình, ngay từ bên ngoài động Batu đã có một tượng thần khỉ Hanoman banh lồng ngực mình ra để chứng minh một trái tim trong sáng, quả cảm, tận trung cho vua Rama thấy lúc bị bọn gian thần đặt điều cố ý hãm hại. Có lẽ vì được thờ cúng nên lũ con cháu tề thiên ở đây sinh sôi nhiều vô số kể. Không đủ thức ăn nên đám khỉ tranh cướp thức ăn trắng trợn của du khách.
Chị Ngọc Hân (nhà ở quận Tân Phú, TP HCM) đã có một kỷ niệm đáng nhớ với các vị Hanoman tại động Batu. Số là khi trước khi lên động chị bỏ chai nước uống và hộp kem đã ăn (chưa tìm được thùng rác để vứt) vào một túi ny lông xách lên cho tiện. Dọc đường thấy nhiều du khách nữ ré lên khi bị bọn khỉ bất thần từ trên cao xuống hớt đồ, chị nghĩ mình giữ chặt và sẽ để ý nên không sợ. Thế nhưng đến lúc xuống thì có một con khỉ già chuyền từ trên cao xuống, đứng chặn trước mặt chị. Chị giấu cái túi ny long vào trong cái khăn choàng của mình, nó vẫn đứng chờ. Chị xoay trái để tránh ánh nhìn của nó và chờ nó quay đi, nó cũng xoay sang trái. Chị quay phải, nó cũng quay phải.
Biết là không thể thoát được với kẻ cướp cạn này chị vội tháo cái túi ra khỏi tay mình, ném xuống bậc thang chỗ con khỉ. Sau khi quăng chai nước cho nó rơi tự do, con khỉ mở nắp hộp kem rồi thất vọng tìm tiếp trong cái túi. Một vài du khách thấy cảnh chị bị tấn công nên lấy dù dứ dứ đuổi giùm nhưng con khỉ vẫn không nao núng. Thậm chí, quá tức giận vì không tìm thấy gì mà còn bị xua đuổi nó leo lên vài bậc thang nữa quay lại nhăn răng khè vài cái như muốn lao vào tấn công chị Hân.
Nhớ lại chuyện đó, chị Hân vẫn còn hoảng hồn. Chị kể: “Có một nữ du khách Tây cũng bị khỉ từ trên cao chuyền xuống, giật từ trên tay cô đó một món đồ. Cô nọ hoảng quá lao từ trên bậc thang lao xuống nhưng may mắn là cô vẫn còn kịp chụp tay anh bạn đi cùng đang đứng phía trên. Suýt chút nữa là cô ấy hụt chân, lăn từ trên cao xuống”.
Dù khỉ là một nỗi lo đáng sợ với nhiều nữ du khách nhưng bạn đừng nên bỏ qua nếu có dịp đi thăm và muốn tìm hiểu về văn hóa của người Ấn Độ ở Malaysia:
Toàn cảnh đường lên động Batu
Trước khi lên làm lễ trên đền thờ người Ấn bỏ giày dép, đi chân không lên đền
Chuẩn bị lên đền làm lễ
Nghi thức hành lễ cầu nguyện cho một đứa bé. Những thành viên trong gia đình cho bé vào một vuông vải vàng, đòn gánh là những những cây mía
Cho em bé vào trong "chiếc gánh"
Khiêng gánh lên đền làm lễ
Du khách nườm nượp lên động
Chỉ chờ thời cơ những chú khỉ này ra tay cướp giật trắng trợn
Làm lễ tại đền thờ Ấn giáo trên động Batu
Đôi vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ sau khi làm lễ xong
Một đứa bé được gia đình chụp ảnh kỉ niệm sau khi hành lễ xong