Bún bắp nấu khúc cá nấu chua hay nước cốt xương cùng ít rau sống cũng “đắm say lòng người”. Đơn giản nhất là món bún bắp xào mỡ hành (hoặc hẹ) chấm với nước mắm ớt ăn kèm rau sống cũng thấy “đã đời”.
Bún bắp màu vàng óng tựa mì ống Ý
Một tô bún bắp (ngô) nấu cùng giò heo nghi ngút khói, hay bún bắp nấu ốc ngon mắt có hương vị không hề giống với bất kỳ món bún gạo nào. Nguyên liệu làm bún khá công phu, chỉ có ở vùng Tuy An, Phú Yên. Trước đây, bún bắp được nhiều gia đình người dân ở xã An Dân, Tuy An làm, hiện nay chỉ còn duy nhất lò bún bắp đang được khôi phục và thu hút du khách. Bạn có thể đến lò bà Chín mua bún bắp mang về với giá 30.000 đồng/kg, ghé quán Kent Bi ở thị trấn Chí Thạnh thưởng thức các món bún bắp ốc, bún bắp xào lòng heo.
Khâu chế biến bún khá kỳ công, có lẽ chỉ ai yêu nghề mới làm được. Trước tiên là khâu giã bắp. Một mẻ vừa cối chừng 5kg bắp khô được giã chung với trấu (vỏ). Vừa giã vừa sàng sảy sao cho bắp nát đều, thành những hạt nhỏ được gọi là gạo bắp, sàng loại bỏ cám mày, sau đó đem gạo bắp ngâm nước trong 30 phút, rồi vớt ra ủ một ngày một đêm cho lên men chua.
Gạo bắp sau khi ủ được cho ra nia phun nước giữ ẩm, để ba ngày sau mới đem ngâm nước thêm một ngày nhằm loại mùi chua trước khi đưa vào cối quết thành bột. Khi đó bột bắp được nén thành khối rồi cắt ra luộc lại khoảng 15 phút, sau đó cho vào máy xay nhuyễn lần cuối. Thêm một lần nhồi bột lại với nước ấm, đưa qua máy đùn sợi, sợi bún rớt xuống nồi nước sôi đến khi chín thì nổi lên mặt nước. Người làm nhanh tay vớt ra bắt thành lọn.
Một mẻ bún như vậy cần 6 -7 ngày để hoàn thành. Sợi bún màu vàng tươi, có vị ngọt của ngô, thường được chế biến thành bún bắp giò heo, xào lòng heo hay ăn cùng canh chua cá bống.
Bún chế biến thành rất nhiều món.
Bún bắp tươi mà ăn với nước cá tươi bắt từ đầm Ô Loan lên nấu cùng rau ngót thì độc nhất vô nhị. Bún bắp ngon nhưng vì quy trình sản xuất công phu và kéo dài, lợi nhuận thấp khiến nhiều người bỏ nghề. Hiện cả Phú Yên, còn mỗi gia đình bà Chín làm bún bắp, bà đã già gần 80 tuổi, nếu không có chính sách bảo tồn, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống thì nó sẽ biến mất, hương vị ngon của bún chỉ còn trong hoài niệm, dĩ vãng. Lo ngại nguy cơ đặc sản làng quê bị biến mất, nhiều thanh niên đã quay về địa phương làm sống lại làng nghề dù gặp không ít khó khăn.
Không chỉ ngon bởi hương vị, bún bắp còn là loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Các nhà khoa học gọi bắp là thực phẩm vàng vì lượng celluloza trong nó cao từ 4-10 lần so với gạo và các loại ngũ cốc khác, có tác dụng kích thích nhu động dạ dày ruột, giúp tiêu hóa. Hàm lượng lipid, tinh bột, đường trong bún bắp cao, nó có thể cung cấp 396 kcal/100g bún bắp; giàu khoáng chất, nhiều vitamin A và E giúp chống oxy hóa cho tế bào, phụ nữ ăn bún bắp nhiều rất tốt cho da, mắt. Bún bắp có giá trị phòng và chữa bệnh như giúp bài tiết mật, giảm bilirubin trong máu, có lợi cho tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu, chống oxy hóa, lão hóa…