Ảnh minh họa
Tôi lớn lên từ khó khăn nên rất mạnh mẽ, yêu thương cha mẹ, luôn nỗ lực để cuộc sống tốt hơn. Thời điểm đó, tôi vui vì gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc. Về tình cảm, thời sinh viên tôi có mối tình 7 năm rất đẹp. Người đó cũng là sinh viên nghèo nhưng học rất giỏi, có chí tiến thủ, chăm chỉ và hiền lành. Nhưng đến phút cuối cùng lại không thành đôi vì bất đồng trong quan điểm kết hôn.
Ngay lúc ấy, tôi quen biết chồng hiện tại (nhỏ hơn tôi một tuổi). Anh rất thương và theo đuổi tôi nhiều. Anh có thể đứng đợi trước nhà cả buổi tối chỉ để gặp tôi, làm nhiều việc khiến tôi xúc động. Cả hai tâm sự, chia sẻ nhiều quan điểm cuộc sống và thấy hợp tính nhau, tôi nghĩ đó là định mệnh. Quen 6 tháng, tôi đồng ý lời cầu hôn của anh. 3 tháng sau, chúng tôi cưới trong sự ngỡ ngàng của bao người. Thật ra, tôi cân nhắc rất nhiều nhưng vì nghĩ đến mối tình 7 năm không thành nên cảm thấy vợ chồng là duyên nợ, chỉ cần người đó yêu thương mình là được.
Người ta bảo "vỡ mộng hôn nhân" là đúng thật. Chồng tôi không thích tụ tập chơi bời, nhậu nhẹt, gái gú, không nhiều bạn bè, nhưng tính tình và lý tưởng sống của chồng lại làm tôi rất bất mãn.
Trong quá khứ, khi thất tình, anh bỏ dở việc học, có thời gian dài nhốt mình trong phòng như bị trầm cảm, lầm lì; không có bằng cấp đàng hoàng. Gia đình chồng giàu có, sở hữu công ty riêng nhưng chồng không thích phụ thuộc vào cha mẹ nên không vào làm công ty nhà. Tóm lại, chồng tôi vừa tự ti vào năng lực bản thân, vừa không muốn người khác xem thường nên dẫn đến thích làm theo ý mình, không nghe lời góp ý từ người khác.
Có lúc anh ngọt ngào tình cảm, lúc lại nóng tính, nói chuyện ngang ngược, đập phá đồ đạc, hoặc đấm tay vào tường để tự làm đau mình. Những lúc ấy tôi rất sợ. Vì tôi thành công trong công việc nên chồng không thích nghe tôi nói, trách mắng tôi dạy đời anh (trong khi tôi luôn là người tâm lý, nói chuyện nhỏ nhẹ mềm mỏng, chưa bao giờ quát tháo hay chửi bới anh). Chồng luôn nhìn vấn đề ở góc tiêu cực, phóng đại nỗi đau của mình, bắt người khác thông cảm và hiểu cho mình trong khi chưa bao giờ chịu nghĩ cho cảm xúc của người khác.
May mắn là cha mẹ chồng hiền lành, trí thức, rất quan tâm tôi. Biết tính con mình kỳ cục, mẹ chồng cho chúng tôi số vốn, mở quán ăn kinh doanh. Nhưng cũng chính từ đây cả hai cãi nhau rất nhiều, do ai cũng muốn làm theo ý mình. Không phải tôi thích can thiệp nhưng chồng quản lý một cách rất yếu kém, nhân viên bất mãn, chính sách giá cả không hợp lý nên càng lúc càng tệ hơn. Mùa Covid quán đóng cửa tạm nghỉ, tôi vẫn đi làm công việc của mình, áp lực và mệt mỏi, về nhà thấy chồng nằm lì ra ngủ, suốt ngày mở tivi xem, nuôi cá cảnh giải trí, phòng ốc bừa bãi không dọn. Cãi nhau nhiều đến nỗi giờ tôi không muốn nói gì nữa, có nói lại cãi nhau, đập phá đồ đạc. Chuyên gia ơi, tôi cần làm gì để giải thoát mình đây?
Tôi thương chồng, cũng muốn giúp anh trở nên mạnh mẽ, sống lý tưởng, nhưng tôi đã cố rất nhiều cách, nói chuyện lý trí cũng có, nhẹ nhàng cũng có, nhưng đâu lại vào đó, không cãi nhau một trận to thì ậm ừ cho qua chuyện. Tôi không mong có chồng giàu, chỉ mong tìm được một người cùng mình cố gắng, cùng lý tưởng sống để làm nên gia đình hạnh phúc.
Tôi đã có ý định ly dị nhiều lần nhưng mẹ chồng cứ khóc lóc, khuyên giải cố gắng. Tôi chịu đựng đến giờ cũng chỉ vì muốn cho chồng cơ hội. Tôi biết nếu bỏ đi, chồng lại nhốt mình trong phòng, tôi không muốn ba mẹ ruột phải buồn lo cho mình. Rốt cuộc, muốn hạnh phúc nên bao dung thêm nữa hay dứt khoát để tôi có thể bắt đầu lại cuộc đời mới?
Thu
Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:
Chào Thu,
Có thể thấy rõ hiện tại chồng bạn đang gặp khủng hoảng tâm lý. Mà nguồn gốc xuất phát là từ sự thất bại trong chuyện tình cảm, học hành, sự nghiệp của anh ấy. Có nhiều người phải mất thời gian dài chìm đắm trong tự ti, tuyệt vọng; có người tự mình vượt qua được; nhưng có người vẫn mãi u mê và chấp nhận cuộc sống tự đọa đầy mình.
Bạn yêu chồng nhưng có cá tính và nhiều điều kiện để xây dựng cuộc sống mới thuận lợi. Việc ra quyết định vẫn là do cá nhân bạn. Dù quyết định thế nào, không ai có thể trách cứ bạn khi bạn đã cố gắng hết sức.
Có thể thấy chồng bạn có nhiều yếu tố thuận lợi: bố mẹ yêu thương, vợ hiền thục, giỏi giang, gia đình giàu có,... Tưởng chừng những thứ ấy là tiền đề giúp chồng bạn thăng tiến, hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng với anh ấy, có thể đây chính là những áp lực vô hình. Anh ấy thất bại, không có gì trong tay trong khi những người anh ta yêu thương lại giỏi giang, đủ đầy.
Về nhà hàng, theo bạn đây chính là khởi nguồn của những bất hòa giữa hai vợ chồng, vậy hãy kết thúc điều đó. Bạn hãy dừng tham gia vào chuyện quản lý cửa hàng, chỉ nên âm thầm quan sát. Nếu chồng bạn thực sự không thể duy trì cửa hàng, đây là sự trả giá tất yếu, cho anh ấy bài học kinh nghiệm. Nếu quản lý, kinh doanh không phải thế mạnh của chồng bạn, vậy hãy ủng hộ anh ấy trong lĩnh vực mà anh ấy giỏi nhất, có khả năng nhất.
Đôi khi người ta phải thất bại và vấp ngã rất nhiều lần trước khi có thành quả trong sự nghiệp. Chính bạn cũng vậy, để có những thành tựu công việc như hiện nay, bạn đã phải trải qua sự rèn luyện và cố gắng rất nhiều đúng không?
Bên cạnh đó, vợ chồng bạn đến với nhau bằng tình yêu, bằng mong muốn gắn kết để xây dựng hôn nhân và mái ấm gia đình, chứ không phải là đối tác để xây dựng sự nghiệp hay một lý tưởng lớn lao. Bạn hãy nhìn chồng như một người chồng dành tình yêu và trách nhiệm với vợ mình thay vì mong muốn chồng là người thành đạt, giỏi giang trong mọi công việc.
Qua những hành động bất thường của chồng bạn như thay đổi trạng thái tâm lý đột ngột, tự làm đau mình, đập phá đồ đạc... có thể thấy anh ấy đang bị rối loạn tâm lý. Việc này cần sự can thiệp trực tiếp của chuyên gia trị liệu. Anh ấy cần được giúp đỡ trước khi tiếp tục tự làm hại mình và mức độ nguy hiểm tăng cao. Theo như tính cách của chồng bạn, có lẽ bố mẹ chồng và bạn không nên trực tiếp can thiệp, khuyên nhủ, hãy nhờ một người ngoài gia đình bạn.
Trong thư không thấy bạn nhắc đến chuyện mang thai hay có con. Nếu chưa có, bạn nên cân nhắc về việc mang thai và sinh nở. Hãy tập trung hỗ trợ và giúp đỡ chồng ổn định tinh thần, lấy lại cân bằng trong cuộc sống trước. Đây là việc làm khó khăn và cần thời gian.
Bạn có thể tìm thời điểm phù hợp để trao đổi với chồng những việc bạn sẽ làm và chính bạn sẽ thay đổi. Còn từ phía anh ấy, bạn mong nhận lại sự phản hồi và hành động gì của chồng. Hãy giao hẹn về thời gian và sự kiểm chứng. Sau tất cả cố gắng, nếu tình hình không cải thiện, lúc ấy bạn buông tay mới không phải hối tiếc.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.