Trước những khó khăn lớn mà dịch Covid-19 gây ra, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho hay tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó ngay lập tức như: tái cơ cấu bộ máy nhân sự, sắp xếp, bố trí lại công việc; một số vị trí nhân sự ở khách sạn, khu vui chơi, giải trí được bố trí nghỉ luân phiên…
"Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của Sun Group sẽ gặp nhiều khó khăn, về lâu dài sẽ tác động đến sự đóng góp đối với ngành du lịch, nền kinh tế các địa phương, đồng thời ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm và cuộc sống của hàng nghìn lao động" - ông Trường nói.
Trước khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm hỗ trợ những giải pháp thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp du lịch để có thể khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
"Theo tôi, sẽ có 2 kịch bản cho việc khắc phục khó khăn và phục hồi du lịch trong thời gian tới" - Chủ tịch HĐQT Sun Group cho hay. Theo đó, giai đoạn một là "sống chung với dịch". Đó là khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ do dịch bệnh vẫn tiếp diễn trên thế giới, đặc biệt các tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…" - nói.
Hai là giai đoạn "Phục hồi sau dịch" – ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ và bền vững sau khi Việt Nam công bố chính thức không còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Với cả hai "kịch bản", bên cạnh sự chủ động vượt khó của doanh nghiệp, ông Trường cho rằng ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ của chính phủ và các địa phương để có thể cứu vãn hoạt động du lịch.
Thời gian qua, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện rất quyết liệt, Chính phủ cũng đã có những động thái bước đầu để "giải cứu" du lịch như chương trình kích cầu du lịch nội địa với thông điệp "Việt Nam an toàn"; chuẩn bị kích cầu du lịch quốc tế vào tháng 4 với thông điệp "VietnamNOW"; thành lập liên minh kích cầu du lịch với sự tham gia của tất cả đối tượng tham gia du lịch như hàng không, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, doanh nghiệp lữ hành… để kiến tạo và triển khai các gói sản phẩm ưu đãi hấp dẫn, cạnh tranh nhất…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giải pháp thiết thực cần phải thực hiện ngay để giúp doanh nghiệp du lịch cũng như ngành du lịch Việt Nam bước qua được khủng hoảng.
Cụ thể, ở giai đoạn "sống chung với dịch", ông Trường đề xuất cần nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt ưu tiên những dự án kinh tế đêm để thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền nhiều hơn.
Sun Group cũng kiến nghị chính phủ cho phép giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; Cho phép chậm nộp thuế VAT quý 4-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý 3 hoặc quý 4-2020.
"Với giai đoạn "Phục hồi sau dịch", bên cạnh chương trình kích cầu du lịch quốc tế "VietnamNOW", chúng tôi đề xuất triển khai riêng một chiến dịch quảng bá cho thị trường du lịch tàu biển, với các chương trình khuyến mãi sâu, hấp dẫn du khách. Đây là thị trường đặc thù đầy tiềm năng với khách hàng tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp đến từ Nhật Bản, Tây Âu…nên rất cần được ưu tiên thúc đẩy để lấy lại vị thế và mở rộng thị trường"- ông Trường cho hay.
Ngoài việc tổ chức các FAM trip, presstrip, mời các KOLs nổi tiếng quốc tế tới trải nghiệm và lan tỏa thông điệp VietnamNow, các chuyên gia cũng cho rằng cần triển khai mạnh mẽ các sự kiện du lịch lớn khắp cả nước như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Carnival quốc tế, Lễ hội Mùa đông… tại nhiều điểm đến nổi tiếng để thu hút sự quan tâm tìm đến của du khách.