Đầm Thị Tường. Ảnh: Tấn Điệp
Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc huyện Phú Tân. Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m, được chia làm 03 đoạn: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Đầm không sâu nhưng luôn giữ được mực nước trên, dưới 1m. Đây là dấu tích biển lùi và quá trình phù sa bồi đắp vùng Bán đảo Cà Mau còn dang dở.
Mưu sinh nơi ven đầm. Ảnh: Kim Hải
Đầm Thị Tường gắn liền với một truyền thuyết kỳ lạ: xưa kia bà Tường là một trong những người đầu tiên đi mở đất ở Cà Mau, đã kiên cường, dũng cảm ngày đêm đứng ra xua đổi bầy chim do Chúa Hổ sai lấy đá lấp biển, vì vậy vua Thuỷ Tề đã từ chối sính lễ cầu hôn lấy Công chúa của Chúa Hổ. Những khoảng trống do Bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn không bị đá che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người. Cảm động trước công đức của Bà, người dân đã lấy tên Bà đặt cho đầm, tức là đầm Thị Tường ngày nay.
Hiện nay, 2 bên bờ đầm có nhiều cây lá rậm rạp. Hàng ngày, cứ vào lúc sớm tinh sương và lúc hoàng hôn xuống quang cảnh đánh bắt cá trên đầm trở nên nhộn nhịp với nhiều loại phương tiện như xuồng, chài, lưới, vó, lú, xà ngom… Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn ánh đèn dầu, đèn điện lung linh trên mặt đầm như lễ hội hoa đăng. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên và thưởng thức những món đặc sản cá, tôm của vùng quê sông nước.