Tiến sĩ Giáo dục học Thạch Ngọc Yến (phụ trách Văn phòng Tư vấn trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TPHCM) đã lần lượt trao đổi với nam - nữ sinh và phụ huynh (PH) (khối lớp 4,5) Trường tiểu học Lam Sơn (Q.Gò Vấp, TPHCM) trong chương trình tư vấn – bảo vệ trẻ em tại bốn trường tiểu học thuộc Q.Gò Vấp do tổ chức Action Aid VN (tổ chức phi chính phủ của Anh tại VN) thực hiện.
Tiến sĩ Thạch Ngọc Yến tư vấn kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục
cho học sinh Trường tiểu học Lam Sơn
Đừng đợi đến khi… “mất bò”
Điều đáng nói là trong khi các học sinh tham gia chuyên đề rất sôi nổi, hào hứng thì đa số PH lại im hơi lặng tiếng. Các bậc cha mẹ không đặt ra những tình huống thực tế để chuyên viên hướng dẫn xử lý. Không ít người xem chuyện xâm hại tình dục là khá xa vời vì “con tôi còn quá nhỏ”! PH của học sinh nam còn thờ ơ hơn nữa, “có con gái mới lo chứ con trai đâu có gì phải sợ”.
Văn phòng Tư vấn trẻ em TPHCM từng tiếp nhận và can thiệp rất nhiều trường hợp thương tâm xuất phát từ tâm lý chủ quan, thiếu kiểm soát của các bậc cha mẹ.
Nhiều chuyện không ngờ đã xảy ra như cô học sinh lớp 5 bị mang thai bốn tháng, hỏi ra mới biết do ba mẹ thường xuyên nhờ bé đem cơm hộp cho mấy chú thợ xây nhà. Cô bé lớp 4 bị chú của bạn hiếp dâm khi đến nhà bạn dự sinh nhật. Cậu bé lớp 6 bị những gã bệnh hoạn tấn công khi học thêm về buổi tối… Các bé đều chưa từng được cung cấp kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì và nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Ngày nay, trẻ dậy thì sớm so với các thế hệ trước do điều kiện dinh dưỡng, do tác động của phim ảnh… Có bé gái chỉ mới 10 tuổi đã hình thành đường nét cơ thể như thiếu nữ nên dễ dàng lọt vào tầm ngắm của “yêu râu xanh”.
Nếu PH đợi con đến 16, 17 tuổi mới bắt đầu dạy cách giữ mình thì đã muộn. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề, dai dẳng về sức khỏe và tâm lý. Theo các chuyên gia, ở giữa cấp tiểu học, cha mẹ nên cảnh báo con em về nguy cơ này, không phải làm trẻ hoang mang, sợ sệt mà để trẻ chủ động tình thế.
Dạy trẻ cách tự bảo vệ
Tiến sĩ Thạch Ngọc Yến chia sẻ: Khi không theo sát trẻ được thì PH phải giao con cho người thật đáng tin cậy (nhiều trường hợp người xâm hại lại chính là thầy giáo, người bà con, hàng xóm của trẻ chứ không phải người lạ). Và quan trọng là dạy trẻ biết phân biệt đâu là cử chỉ yêu thương, đâu là dấu hiệu của động cơ lợi dụng xác thịt. Nếu trẻ chưa phân biệt được rõ ràng thì trẻ cũng nên phản ứng lại (vùng chạy, bỏ đi).
Trong những cuộc gọi đến Văn phòng Tư vấn trẻ em, có 30 - 40% cuộc gọi từ các em nhờ chuyên viên xác định xem người ấy thực sự yêu thương hay chỉ là giả dối, lợi dụng. Trẻ không dám trực tiếp hỏi cha mẹ vì sợ bị la mắng, trách phạt.
Thông thường, kẻ xấu thực hiện động tác va chạm để thăm dò phản ứng. Nếu thấy dễ dàng, êm xuôi, sẽ tiếp tục khống chế để thực hiện hành vi đồi bại. Các bậc cha mẹ nên nhắc nhở con cảnh giác trước những hình thức lạm dụng tình dục mức độ từ thấp lên cao: rờ rẫm, vuốt ve, nựng nịu, khen áo đẹp, tóc đẹp, cố đưa trẻ vào chỗ vắng hoặc đóng kín cửa phòng, cho trẻ nghe những lời tục tĩu, mô tả hình ảnh quan hệ nam nữ bằng lời nói, cho trẻ coi ảnh “nóng”, đưa bộ phận sinh dục cho trẻ nhìn…
Có nhiều trường hợp trẻ đã báo trước với mẹ: “Sao chú kia cứ nhìn con hoài”. Người mẹ không hỏi han con, không hướng dẫn con xử lý tình huống mà vội mắng khiến trẻ hoang mang. Khi sự việc xảy ra, người mẹ có hối cũng đã muộn.
PH nên dặn dò trẻ kỹ lưỡng, tránh tạo môi trường để kẻ xấu trỗi dậy ham muốn. Khi đến chơi nhà bạn, trẻ tránh tách nhóm, đi vào buồng riêng. Khi đi vệ sinh, nên rủ nhiều bạn cùng đi. Trong gia đình, cần cho con ngủ riêng, không hớ hênh chuyện chăn gối (con sẽ tò mò, bắt chước). Không để con đi một mình nơi tối vắng.
Thường xuyên nói chuyện với con để kiểm soát các mối quan hệ. Quan tâm, yêu thương con để trẻ không thiếu thốn tình cảm, dễ nghe theo lời dụ dỗ ngọt ngào. Nên tránh cho con tiếp xúc với những đối tượng có khả năng bị ức chế tình dục lâu ngày, những người thường xuyên xem ảnh sex, phim sex…