Chị Sáu với gia đình anh Võ Thanh Hùng
Do “nóng” trong người
Ấp Tân Lập mát rượi bởi hàng xoài, mận ven đường, không khí trong lành. Vậy mà xóm nhỏ này lại hay bị “ô nhiễm tiếng ồn” phát ra từ một ngôi nhà “nóng”. Cảnh người vợ chạy ra khỏi nhà, miệng đầy máu với ba chiếc răng gãy, để lại phía sau lưng tiếng la hét, đập phá nhà của người chồng hung dữ… diễn ra thường xuyên.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà “nóng”, anh Võ Thanh Hùng, xởi lởi: “Bây giờ, tôi hết bạo lực rồi”. Vợ chồng lấy nhau lúc cả hai mới 20 tuổi, nay ở tuổi 45, đã có cháu ngoại. “Hổng thương sao tụi tôi ở được với nhau chừng đó năm” - người chồng khoe. Nhưng họ cũng cãi nhau, đánh nhau chừng đó năm. Do nghèo, thiếu tiền… Đàn bà thừa lời, còn đàn ông thì thiếu kiên nhẫn, vậy là chồng ra tay. Chồng làm mướn, công việc gắn với đồng ruộng. Vợ lên TPHCM rửa chén cho quán cơm. Nhưng hễ vợ về thăm nhà, họ lại làm hàng xóm nhức tai vì mỗi lý do: “Bà đi làm xa, nhà cửa xao xác, không còn ra gia đình”.
Giờ anh Hùng đã nhận ra: “Hồi đó, mình bậy quá. Đánh vợ không giải quyết được gì… Kiềm chế, nghe vợ nói, nhận ra được cái đúng, cái hay. Nhà cửa êm ấm, tiền chưa nhiều mà vui”.
Anh Võ Hữu Đức mặc chiếc áo trắng có dòng chữ “Đừng im lặng trước bạo lực gia đình”, chiếc áo mà sau khi tham gia dự án, anh mới tự tin mặc vào. Họ cưới nhau lúc còn trẻ, cuộc đời trôi theo những đám ruộng cần người gặt. Người vợ tay chân lấm lem bùn đất nhưng gương mặt vẫn đẹp mặn mà, thấy nhiều đàn ông dòm ngó, người chồng ghen, kiếm cớ đánh vợ. Anh Đức tâm sự: “Thật sự bình tâm mới thấy thương vợ. Lúc vui, có tiền, nhậu nhẹt với bạn bè; còn khi đau ốm, chỉ thấy vợ bên cạnh…”. Dự án gõ cửa, anh quyết tâm thay đổi. Bắt đầu từ hạn chế nhậu, lo kiếm việc làm, rồi xung phong vào đội tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình của xã. Bây giờ, nỗi lo bị chồng đánh đã vơi trong chị Nguyễn Thị Phe.
“Chiêu” của chị Sáu
Chị Sáu mà anh Hùng, anh Đức luôn nhắc đến là chị Võ Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN kiêm Đội trưởng Đội Truyên truyền Phòng chống bạo lực gia đình của xã. Ngôi nhà của chị trở thành “địa chỉ tạm lánh” của ấp Tân Lập. Chồng chị là một tình nguyện viên nhiệt tình chở vợ đi công tác, chở nạn nhân đi cấp cứu… Các bà vợ chạy đến nhà chị như vào “pháo đài” an toàn, được chăm sóc vết thương, được chia sẻ, nâng đỡ… Rồi chị tìm cách tiếp cận các ông chồng bạo lực. Anh Hùng có em trai là công an cũng… bó tay, vậy mà lại chịu nghe chị: “Vợ chồng đã lớn tuổi, có cháu ngoại mà đánh nhau, gây bất an cho cả ấp…, hàng xóm không nể, con cái không phục…”.
Cũng có trường hợp như anh Nguyễn Tấn Kiệp, ấp Thạnh Quới 2, say xỉn đánh vợ con, khuyên can nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật nấy, chị phối hợp với công an xã, yêu cầu Kiệp làm bản cam kết… Trong một buổi tuyên truyền cộng đồng, Kiệp bất ngờ xin lỗi mọi người, xin lỗi bà xã, hứa từ bỏ bạo lực… Mỗi khi tổ chức các buổi nghe báo cáo về luật pháp, kiến thức, chị Sáu đều yêu cầu các ấp trưởng “tập hợp cả đàn ông” bởi bạo lực gia đình không phải là chuyện riêng của phụ nữ.
Chị Hồng Thúy, phụ trách dự án, cho biết: “Khi bị bạo hành, các nạn nhân gọi ngay vào số điện thoại của phường, xã. Sự có mặt của những người chuyên trách tại nhà nạn nhân khiến cho các ông chồng nhận thức hành vi bạo hành không còn là “chuyện riêng của nhà tôi” nữa.