Sân khấu Gò Đậu (Bình Dương) trong đêm live show của nhóm nhạc Hàn Quốc SuJu ngày 11-5 vừa qua, có chưa đầy 5.000 khán giả. Con số khán giả đến xem chương trình bằng 1/2 so với số lượng vé được in ấn và bán ra. Tuy nhiên, việc ban tổ chức chương trình công bố hơn 10.000 vé được bán hết cũng là điều có thật.
Sức mạnh của sự đồng tâm
Ngoài hơn 5.000 khán giả có mặt trực tiếp tại sân vận động Gò Đậu thì số lượng vé còn lại được đặt mua qua mạng (chủ yếu) là người nước ngoài và họ đã không đến xem dù đã mua vé. Theo nguồn tin riêng, những khán giả mua vé xem SuJu tại Việt Nam ở khắp nơi. Hẳn nhiên, đây toàn là những người rất yêu mến SuJu và là thành viên của fanclub SuJu khu vực châu Á. Chuyện nghe qua tưởng chừng rất vô lý nhưng đây là việc có thật và là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh của hiện tượng fanclub xuyên lục địa.
Thực tế, trong kế hoạch biểu diễn khắp châu Á của SuJu, Việt Nam là một trong những điểm dừng chân của nhóm nhạc được yêu mến nhất - nhì ở Hàn Quốc này. Một trong những điều kiện mà SM Entertainment đặt ra là ở mỗi nơi SuJu đặt chân đến là số lượng vé tiêu thụ phải đạt được 10.000 vé. Đòi hỏi này nhằm bảo vệ “thương hiệu sao” mà SM Entertainment đang cố tình xây dựng cho nhóm hát của mình. Để tour diễn châu Á của thần tượng SuJu được trọn vẹn với đêm diễn kết thúc của nhóm ở Việt Nam, các fanclub ở khắp nơi đã chung tay cứu viện bằng cách mua vé.
Người hâm mộ chờ đón SuJu. Ảnh: VĨNH DUY
Không chỉ nhóm hát SuJu mà rất nhiều ca sĩ ngoại khi đến Việt Nam biểu diễn luôn thu hút khán giả, từ khán giả Tây (trong live show Backstreet Boys hay Il Divo…) đến Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… Không khó để nhận ra khán giả ngoại khi họ đến sân khấu cùng với những chiếc vali kéo hành trang to đùng. Hòa vào làn sóng hưởng ứng tán dương thần tượng, những khán giả ngoại vỗ tay khí thế, giăng cờ, quạt, băng rôn, gọi tên thần tượng và dĩ nhiên không thể thiếu màn hát theo các ca khúc.
Việc thành lập một hệ thống fanclub xuyên quốc gia chỉ để thực hiện mục đích duy nhất “mỗi nơi họ đến đều có thể bán vé và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả”. Một fanclub xuyên quốc gia rõ ràng là niềm mơ ước của tất cả ca sĩ, nhóm hát. Để làm được điều này, cần phải có một ê-kíp chuyên nghiệp mà tính đến thời điểm hiện tại, các nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã gặt hái những thành công vượt bậc nhờ vào sự góp sức của chính các fanclub xuyên quốc gia này.
Đặt nền nóng
Một trong những kế hoạch xây dựng tên tuổi của một nhóm hát, giọng ca của các nền công nghiệp giải trí là thành lập các fanclub. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi fanclub chính là đối tượng khách hàng thân thiết tiêu thụ các sản phẩm của các giọng ca. Thực tế chứng minh, các ca sĩ Việt Nam cũng rất coi trọng sự tồn tại của các fanclub nên hầu hết ai cũng sở hữu một lượng fan đáng kể.
Trong các hoạt động của mình, họp mặt fanclub là điều không thể thiếu trong những lần chuẩn bị ra mắt album, live show. Tuy nhiên, sao Việt mới chỉ có fanclub ở trong nước. Ai có lực lượng fan lớn mạnh lắm thì mỗi tỉnh, thành sẽ có một fanclub riêng (chủ yếu là ca sĩ). Nhưng với nền công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, fanclub xuyên quốc gia mới là mục tiêu xây dựng và phấn đấu của họ.
Minh chứng rõ nét là K-pop (thị trường âm nhạc Hàn Quốc). Một trong những chiến lược xây dựng mạng lưới xuyên quốc gia của họ là việc cho các ca sĩ, thành viên của các nhóm hát tham gia vào phim truyền hình, xây dựng tên tuổi ở lĩnh vực truyền hình, điện ảnh trước khi phát triển sự nghiệp ca hát của họ.
Người hâm mộ đang chờ đón thần tượng. Ảnh: VĨNH DUY
Việc tạo nên những bộ phim thần tượng (là sự bắt tay của nhiều bên) phải đủ sức nặng để tạo nên tên tuổi (một cách có chủ đích) là yêu cầu đầu tiên. Và khi đã để lại ít nhiều dấu ấn với khán giả truyền hình, các công ty quản lý sẽ tung ra những single (ban đầu là các single được thể hiện trong phim và sau đó là single đơn). Yêu mến từ những vai diễn cá tính trong phim, những gương mặt đáng yêu như búp bê, các giọng ca trở thành gương mặt được khán giả săn tìm, khán giả các nước không ngần ngại tham gia vào các forum (diễn đàn) bình luận về “thần tượng” và nhanh chóng trở thành những thành viên của các fanclub chính thức.
Công đoạn thu thập, tung các thông tin liên quan đến ca sĩ cũng được thực hiện một cách chuyên nghiệp, có hệ thống. Những quản trị viên của website chính thức sẽ được phân bổ nhiệm vụ kêu gọi thành viên tham gia càng nhiều càng tốt. Khi đã xây dựng được một hệ thống fanclub xuyên quốc gia, việc gặt hái thành công của những giọng ca này là điều sớm muộn. Khi đã có một fanclub ở đất nước nào đó thì khi đến biểu diễn quảng bá sản phẩm mới, chắc chắn họ sẽ được đón tiếp một cách nồng nhiệt.
Tất cả fanclub ở mỗi nơi đều chịu sự quản lý chung của một fanclub chính ở nước sở tại. Đây chính là nơi (fanclub đầu não) chi phối, điều hành mọi hoạt động chính của fanclub đối với ca sĩ thần tượng bởi là nơi có thể tiếp cận trực tiếp và nhận thông tin chính thức từ công ty quản lý hay chính thần tượng.
Các admin (quản trị) các website của các fanclub thần tượng mà thông thường cũng chính là nhân vật chủ chốt của các fanclub, sẽ thường xuyên liên lạc, cập nhật thông tin với nhau để chia sẻ thông tin về thần tượng cho các thành viên. Vì vậy, khi gặp khó khăn như trường hợp fanclub SuJu ở Việt Nam, các fanclub ở nước khác sẵn sàng giúp đỡ với mục đích duy nhất “nâng cao giá trị hình ảnh của thần tượng ở mỗi nơi họ đến”.
Nếu trước đây, sự tồn tại của các fanclub xuyên quốc gia chủ yếu xuất phát từ tình yêu mãnh liệt của nhóm khán giả dành cho thần tượng (như fanclub xuyên quốc gia Michael Jackson, Michael Learn To Rocks, Linkin’s Park hay Britney Spears...) thì hiện nay, các fanclub xuyên quốc gia đều được thành lập một cách có chủ ý và hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn. Đó là việc thường xuyên trao đổi giữa các fanclub (dù khác quốc gia) để làm sao giúp sức cho hình ảnh của thần tượng thay vì thầm lặng hay quy mô nhỏ như trước đây.
Trước đây, dù là thành viên của fanclub nhưng ai có tiền thì người ấy mới được đi xem thần tượng hát, như sang Thái Lan xem thần tượng biểu diễn rồi về bình luận chia sẻ lại với các thành viên khác thì hiện nay, các fanclub cố gắng đóng góp vô điều kiện để live show thần tượng có thể diễn ra mỹ mãn. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt cho một fanclub thời kỳ manh nha và fanclub thời hiện đại.
Tóm lại, khi showbiz ngày càng trở nên chuyên nghiệp thì những phần tử thuộc showbiz, trong đó có fanclub cũng trở nên chuyên nghiệp hơn là điều tất yếu. |