TAND thị xã Cai Lậy, Tiền Giang vừa xử sơ thẩm, bác yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình trong vụ tranh chấp giữa ông Huỳnh Văn Đảm với người cô nuôi là bà Huỳnh Thị Đầm.
Trong đơn khởi kiện, ông Đảm trình bày: Năm 1981, bà nội ông cho ông và bà Đầm thửa đất diện tích 1.700 m2 tại phường 3. Lúc đó ông mới 10 tuổi, đang sống với bà Đầm nên bà Đầm đại diện đứng tên trên giấy tờ. Năm 1990, ông cùng bà Đầm xây nhà trị giá khoảng 400 triệu đồng. Năm 1996, ông lấy vợ, dọn ra riêng, để nhà cho bà Đầm ở. Sau đó có công trình cao tốc Mỹ Thuận-Trung Lương, Nhà nước thu hồi 1.500 m2 đất và bồi thường gần 860 triệu đồng. Nay ông khởi kiện yêu cầu bà Đầm chia cho ông 286 triệu đồng.
Ra tòa, bà Đầm trình bày: Thửa đất trên là cha mẹ bà cho bà năm 1982, trên đất có một căn nhà thô sơ. Sau đó, em trai bà mới xin ông Đảm về nuôi, đến năm 1985, khi ông Đảm 14 tuổi thì về sống chung với bà. Năm 1992, bà lấy số tiền bán lúa xây lại căn nhà trị giá khoảng 200 triệu đồng. Năm 2004, bà được cấp giấy đỏ thửa đất này. Trước khi Nhà nước thu hồi đất, chỉ mình bà quản lý, canh tác đất, trực tiếp ở trong căn nhà trên đất. Khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường thì bà trực tiếp nhận 860 triệu đồng. Nay bà không đồng ý chia tiền cho ông Đảm vì đất Nhà nước thu hồi thuộc quyền sử dụng của bà.
Tại phiên tòa, ông Đảm không có chứng cứ gì chứng minh có bỏ tiền để cùng bà Đầm xây nhà, chỉ lập luận năm 1994, ông ra sống riêng nhưng vẫn còn tên trong sổ hộ khẩu gia đình, tức ông là thành viên trong hộ. Mặt khác, ông thường xuyên lui tới chăm sóc ruộng vườn. Từ đó ông cho rằng mình đương nhiên phải được chia tiền Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất.
Theo HĐXX, quá trình chung sống trong hộ gia đình, ông Đảm không có công sức đóng góp cải tạo đất. Thời gian Nhà nước thu hồi đất, ông cũng không quản lý, cải tạo đất. Mặt khác, ông là cháu nuôi bà Đầm nhưng không nuôi dưỡng bà. Trái lại, Công an phường 3, thị xã Cai Lậy, từng phạt hành chính ông hồi tháng 9-2017 vì đến nhà bà Đầm quậy phá.
Về căn cứ pháp luật, Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Điều 102 BLDS 2015 quy định việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của bộ luật này. Điều 212 BLDS 2015 quy định tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.
Theo HĐXX, ông Đảm có tên trong sổ hộ khẩu của bà Đầm nhưng không có quan hệ huyết thống, không có công sức nuôi dưỡng, không có công sức quản lý, cải tạo đất nên không được hưởng quyền gì đối với thửa đất chính quyền địa phương cấp cho hộ bà Đầm.