Cô gái xấu số đó là Nguyễn Thị Hồng H. (SN 1983, trú t xã Chư Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) vốn sinh ra trong một gia đình cũng thuộc loại khá giả ở vùng cà phê Tây Nguyên là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em 2 gái 1 trai. Ngay từ khi còn nhỏ chị đã rất cần cù, siêng năng. Mặc dù học hành không đến nơi đến chốn, nhưng chị lại biết cách xử sự nên được mọi người yêu quý.
Mối tình “rổ rá cạp lại”
Với khuôn mặt dễ thương, giọng nói nhỏ nhẹ cùng nước da trắng ngần, vừa bước vào tuổi trăng tròn, chị đã có nhiều người trồng cây si. Lúc đầu chị chẳng để ý đến ai vì cho rằng mình còn quá trẻ. Thế rồi duyên số đến, chị phải lòng một thanh niên cùng địa phương. Mối duyên ấy được kết trái bằng một đám cưới nhỏ nhưng ấm áp, vui vẻ. Trong ngày hôn lễ, cô dâu cười rất tươi mà không biết rằng chính ngày cưới lại là khởi đầu của những bi kịch cuộc đời.
Năm trước cưới, năm sau, chị có thai rồi sinh hạ đứa con trai đầu lòng. Gia đình hai bên hạnh phúc khi đón thành viên mới, trong nhà lại có thêm tiếng cười, tiếng trẻ bi bô, lòng chị tràn ngập niềm vui khi được làm mẹ. Vài năm sau, chị sinh thêm một bé trai kháu khỉnh đó là năm 2005, tưởng rằng cuộc sống sẽ luôn tràn ngập hạnh phúc. Nhưng không, cũng vì cuộc sống cơm áo gạo tiền mà hai người luôn xảy ra xích mích.
Hai vợ chồng lôi nhau ra tòa rồi đường ai nấy đi, chị nuôi con, anh trợ cấp. Ngày Tòa thuận tình cho ly hôn chị khóc cạn nước mắt vì nỗi đau quá lớn. Nỗi lòng chị càng tan nát hơn khi nghe tin anh đi lấy vợ mới. Và không thể chứng kiến cảnh chồng cũ đi với vợ mới trước mắt, chị đành gửi hai đứa con cho bố mẹ nuôi giúp rồi bỏ lên Buôn Hồ mở tạp hóa buôn bán để quên đi chuyện cũ.
Thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương. Dù câu chuyện cũ chưa thể quên hoàn toàn trong tâm trí, nhưng chị đã xốc lại được tinh thần nên việc buôn bán của chị cũng thuận buồm xuôi gió. Trong thâm tâm, chị H. tự hứa sẽ ở vậy lo kiếm tiền nuôi con và chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Chị an phận với công việc làm bà chủ của một cửa tiệm tạp hóa.
Hàng ngày cứ sáng dậy chị mở tiệm buôn bán, tối lại đóng cửa. Một hôm, vào tháng 12/2012 khi trời đã khuya, chị đã đóng cửa đi ngủ thì có một người thanh niên đến gọi cửa hỏi mua hàng. Vì khách hàng là “thượng đế” nên chị ngồi dậy bật đèn bán hàng cho khách.
Đó là Dương Hoàng T. (SN 1989, trú xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đang làm thuê cho một công trình ở Buôn Hồ đến hỏi mua gói mì tôm về ăn khuya. Dù kém 6 tuổi, đã có vợ (SN 1983) và một con (SN 2012) nhưng thấy người phụ nữ với vẻ đẹp mặn mà, T. để ý rồi phải lòng. Hắn biết quá khứ tình duyên của chị nhưng chấp nhận và lên kế hoạch tán tỉnh.
Người phụ nữ từng một lần gãy cánh, từng chịu đựng quá nhiều gian truân trong tình cảm nay bỗng dưng được “trai tơ” quan tâm, trái tim tưởng như đã đóng băng bỗng dưng rộn ràng trở lại. Chẳng bao lâu, chị gật đầu đồng ý rồi đóng luôn cửa tiệm tạp hóa ở Buôn Hồ cùng Tỉnh về quê T. sống chung với hắn như vợ chồng bằng một nghề mới là lấy bơ trên Đắk Lắk đem về chợ Tân Xương, Suối Cát bỏ mối cho các vựa ở đây. Chị nghĩ, từ đây, cuộc đời mình sẽ sang trang và hy vọng chồng sẽ yêu thương mình thật lòng. Nào ngờ, chị đã lầm và phải bỏ mạng khi lên phải chuyến đò đệnh mệnh.
Cái kết bi thảm
Do khi quen nhau T. không nói cho H. biết mình đã có vợ con, đến khi về quê của T. chị H. mới phát hiện ra chuyện động trời này, nhưng đã lỡ phóng lao phải theo lao nên chị đành cắn răng cam chịu bởi sự đe dọa của hắn rằng “nếu chị bỏ hắn, hắn sẽ giết chết chị”. Đã vậy chị H. còn lấy phải một kẻ lười lao động, một thanh niên khỏe mạnh, sức dài vai rộng vậy mà suốt ngày cứ lêu lỏng, ăn chơi bằng tiền của vợ, chị không chỉ nuôi hắn mà còn phải gồng lưng nuôi luôn cả gia đình hắn.
Rồi tiền vốn tiền lời từ việc buôn bán bơ cũng cạn dần. Không còn vốn để lấy hàng buôn bán cả hai kéo nhau ra Nha Trang thuê phòng trọ ở Nha Trang để kiếm kế sinh nhai. Chị xin vào làm nhân viên bán vé xe buýt, còn hắn thì cũng không chịu đi làm mà cứ ở nhà tiếp tục ăn… bám vợ. Do đã trải qua quá nhiều sóng gió nên chị cố nín lặng để giữ hòa khí, giữ mái ấm hiện tại. Nhưng, với người chồng lười nhác như thế, cuộc sống chung không tránh khỏi xích mích.
Sáng ngày 25/8/2013 trước khi đi làm, chị H. đưa tiền 50.000 đồng cho T. để đi chợ nấu ăn trưa cho cả hai cùng ăn. Cầm tiền T. mang đi uống cà phê cùng đám bạn.
Đến khoảng 11h, H. đi làm về thấy T. ở nhà không nấu ăn thì hỏi tại sao, T. chẳng nói, chẳng rằng ném trả lại H. số tiền 30.000 đồng. H. tức giận chửi mắng T., T. cầm chai nhựa đựng nước uống ném H. rồi bỏ ra ngoài cửa phòng trọ ngồi.
H. từ trong nhà cầm một chày giã mắm đi ra đánh T., Tỉnh quay lại một tay chụp lại chày trên tay Hoa, một tay túm tóc H. ghì xuống, T. giật chày đánh vào đầu H. một cái rồi vứt chày đi... cứ thế hai người đánh nhau.
Nghe phòng trọ bên cạnh ồn ào, bà chủ trọ sang la mắng thì T. và H. không cãi lý, đánh nhau nữa. H. bỏ đến quán gội đầu để gội đầu làm sạch máu vùng đầu đến khoảng 13h30’ H. trở về phòng. T. thấy sống chung với H. không hợp nên lấy 1 xe đạp đến tiệm cầm đồ thế được 600.000 đồng rồi đi uống cà phê.
Khoảng 16h30’ cùng ngày do cảm thấy mệt nên H. đến nhờ ông Nguyễn Phúc Th. trú gần nơi thuê trọ nhờ chở đi bệnh viện cấp cứu, ông Th. và anh Võ Đoàn Ng. chở H. đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa. Đến 11h5’ ngày 26/8/2013, H. tử vong tại bệnh viện.
Sau khi nhận được tin con gái mất ở bệnh viện, ông Nguyễn Hữu Đ. và bà Nguyễn Thị N. (bố, mẹ H.) vội vàng đón xe xuống Nha Trang đưa xác con về. Ông Đ. nhớ lại, hôm đó tôi đến nhận xác để đưa con gái về quê để an táng, tôi hỏi nó (T.- PV) phòng trọ hai đứa ở đâu để tôi đến lấy đồ của con gái mang về nhưng nó không nói.
Tôi ngồi trên xe con thì nó qua xe khách, tôi qua xe khách thì nó nhảy qua xe con ngồi, như cố tránh mặt tôi, từ đó tôi nghi ngờ con mình không phải chết vì bệnh suyễn mà có lẽ chết vì một nguyên nhân nào khác . Vì thế, khi về tới quê nhà, khi tắm rửa tẩm liệm cho con gái phát hiện trên người con gái có nhiều vết bầm tím, tôi liền điện thoại cho Công an tỉnh Đắk Lắk nhờ điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của con mình.
Sau đó, Công an tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp cùng với Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc điều tra. Theo bản kết luận giám định pháp y tử thi của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận về nguyên nhân tử vong của Nguyễn Thị Hồng H. là “Bệnh lý tắc mạch phổi, viêm cơ tim cấp dẫn đến trụy tim mạch và hô hấp không hồi phục trên cơ thể có đa chấn thương phần mềm đầu, mặt, vai, tứ chi. Những chấn thương phần mềm trên là một trong nhiều tác nhân làm cho tắc mạch phổi nặng lên và dẫn đến tử vong”. Và ngay lập tức T. bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích… dẫn đến chết người”.
Trả giá
TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) mở phiên tòa đưa Dương Hoàng T. ra xét xử. Phiên tòa vắng hoe chỉ có bị cáo và gia đình của bị hại. Tại phiên tòa T. cho rằng vì bị H. dùng chày đánh nên nóng giận có giật chày đánh… nhẹ lại vào đầu chị H.
Vị chủ tọa nghiêm giọng: "Đừng nói mạnh hay nhẹ, đầu là vị trí nguy hiểm của con người, chị H. là người sống chung với bị cáo như vợ chồng, không phải cứ nóng giận là đánh. Bị cáo sống với chị H. không đăng ký kết hôn thì chị H. chưa phải là vợ của bị cáo".
Vị chủ tọa hỏi “Bị cáo có suy nghĩ hành vi của bị cáo sẽ gây hậu quả không?”, thì T. nói “H. đánh trước bị cáo đánh lại chứ không nghĩ hậu quả”.
Điều đáng nói là từ khi chị H. chết, T. cũng không một lần cùng gia đình về thắp cho chị H. một nén nhang chứ chưa nói đến việc bồi thường. Tòa hỏi tại sao thì T. bảo sợ, không có tiền bồi thường, còn gia đình thì bận'.
Vị chủ tọa nói: “Con người ta mất bị cáo không một lời xin lỗi, bố mẹ bị cáo cũng không có trách nhiệm luôn, chẳng lẽ một tháng 30 ngày bố mẹ bị cáo không có một tí thời gian nào, không có tiền thì lên mua nhang, mua đồ thắp cho chị H.”.
Cùng lúc, một vị hội thẩm tiếp lời: “Hội đồng xét xử thấy bị cáo rất thờ ơ, không có gì hối lỗi sau khi chuyện xảy ra. Bị cáo chưa thực sự khai báo chính xác, nếu bị cáo kìm chế được tức giận thì hậu quả không xảy ra”.
Cũng theo lời T. khai tại tòa, hắn có nghề cắt tóc, nhưng chị H. không cho hắn đi làm, không có tiền tiêu xài nên hắn bức xúc và hai người thường xuyên xảy ra xô xát?!
Về phía gia đình bị hại, khi được tòa mời lên hỏi về phần bồi thường và hình phạt đối với bị cáo, bà Nh. bảo: “Con mất thì cũng đã mất rồi không sống lại được, hơn nữa gia đình bị cáo cũng rất khó khăn lấy đâu tiền bồi thường”, và bà chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường về khoản tiền mai táng phí là 36.504.000 đồng. Còn về hình phạt thì bà bảo, thôi thì xử cho cháu nó mức hình phạt nhẹ nhất.
Sau khi căn nhắc đầy đủ các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Hội đồng xét xử TAND TP Nha Trang đã tuyên xử phạt bị cáo Dương Hoàng T. 6 năm tù, buộc bồi thường cho gia đình bị hại 36.504.000 đồng.
Án tuyên xong, T. bị các cảnh sát còng tay đưa ra xe để về trại, chẳng có lấy một người thân chia sẻ, an ủi hay động viên, một mình lủi thủi lê bước lên chiếc xe bịt bùng đậu bên đường. Gia đình bị hại cũng vội lên xe về lại Đắk Lắk.