Thắng khai nhận suốt hơn 4 năm qua, y không thể ngủ ngon vì nỗi ám ảnh và những cơn ác mộng hàng đêm ập về.
Nguyễn Văn Thắng (SN 1989, ngụ tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Đắk Lắk. Dù gia cảnh khó khăn nhưng Thắng không chí thú phụ giúp gia đình. Khi cả nhà Thắng chuyển về sinh sống tại huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, Thắng có cơ hội “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” với những kẻ xấu để liên kết “bảo kê” cho quán karaoke Lối Xưa.
Chiều 5-10-2007, Thắng từ thành phố Kon Tum về thị trấn Pleikần và gặp lại bạn cũ là Trần Văn Phương, SN 1989, ngụ tại tổ 5, thị trấn Pleikần, Ngọc Hồi, Kon Tum. Cả hai kéo nhau vào quán nhậu suốt 2 giờ đồng hồ. Khi rượu đã ngấm, Phương, Thắng khoác tay ra về.
Trên đường về nhà, Thắng, Phương vô cớ gây sự và đánh hai anh Mai Văn Đa và Nguyễn Văn Chung. Với bản tính côn đồ, Thắng dùng dao đuổi chém anh Chung và đâm một nhát vào ngực anh Đa khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Năm 2008, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng tuyên phạt Nguyễn Văn Thắng tù chung thân, Trần Văn Phương 18 năm tù.
Trong trại giam, Thắng trở thành một phạm nhân kỳ lạ, thường nhìn lên trần nhà, nói chuyện lẩm bẩm một mình. Cho đến hơn 4 năm sau, Thắng bất ngờ xin gặp cán bộ quản giáo để tự thú thêm một vụ án giết người khác.
Từ lời khai của Thắng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kon Tum tiến hành khai quật tử thi tại số nhà 12/01, đường Ngô Tiến Dũng, phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum và thu giữ được nhiều mảnh xương người cháy sém. Vụ án được Thắng và 2 đồng phạm khai nhận trước vành móng ngựa khiến nhiều người không khỏi ghê sợ trước thủ đoạn phạm tội dã man.
Ngược thời gian trở về thời điểm năm 2007, khi Thắng xin vào làm bảo vệ tại quán karaoke Lối Xưa. Quán do Trần Văn Phát (tự Sáu Đú, SN 1961 tại Tây Ninh) làm chủ. Phát thuê Thắng và Nguyễn Thế Vinh (SN 1990 tại Gia Lai) làm bảo vệ. Tối 14-9-2007, anh Huỳnh Đăng Nguyên cùng ba người bạn (không xác định được tên, địa chỉ) đến quán Lối Xưa ăn nhậu.
Trong khi uống rượu, Nguyên và Vinh nảy sinh mâu thuẫn khiến Nguyên đòi đánh Vinh nhưng được Thắng ngăn lại. Đến gần nửa đêm, cả nhóm chuyển sang phòng hát karaoke số 2 tiếp tục nhậu. Khi chuyển phòng, Thắng vào bếp xách theo một con dao và nói với Vinh “sẽ dạy thằng Nguyên một bài học”. Hát được một lúc thì những người bạn của Nguyên về trước. Lúc này Nguyên lại đem chuyện cũ ra chửi và dùng ly đập xuống bàn kính vỡ tan. Thấy vậy, Thắng rút dao xông đến, Nguyên liền xin lỗi và năn nỉ Thắng tha tội nhưng Thắng không tha.
Một lúc sau, chủ quán Trần Văn Phát đi kiểm tra, phát hiện vụ việc nhưng Phát không tố giác mà còn trở thành đồng phạm với Thắng và Vinh trong việc giết người và chôn xác. Một tuần sau, Thắng và Vinh bỏ việc tại quán Lối Xưa....
Tội ác kinh hoàng tưởng chừng đã bị “đào sâu chôn chặt” bỗng hé lộ sau lời tự thú của Thắng. Trước vành móng ngựa, Thắng khai hơn 4 năm qua, gần như đêm nào y cũng gặp ác mộng, hễ nhắm mắt là hình ảnh Nguyên hiện về ám ảnh.
Những cơn mơ khiến Thắng hoảng loạn, suy sụp, thân thể gầy gò, hốc hác. Thắng thường nhìn lên trần nhà lẩm bẩm một mình nên có thêm biệt danh Thắng “ma ám”. Việc tự thú khiến Thắng cảm thấy lương tâm thanh thản, chấp nhận bị trừng phạt để thoát những cơn ác mộng. Về phần Phát, sau khi đốt xác nạn nhân cũng bị ám ảnh. Việc kinh doanh karaoke của Phát càng ngày càng vắng khách. Được một thời gian, Phát lo sợ bị pháp luật trừng phạt nên đóng cửa quán, bỏ về Tây Ninh hành nghề chăn vịt. Phát khai suốt 5 năm, y cũng thường xuyên gặp ác mộng, ăn không ngon, ngủ không yên.
Vị Thẩm phán chủ tọa nhận định: Cả ba bị cáo Thắng, Vinh, Phát đều có lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong vụ án. Các bị cáo đã thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật, cần phải nghiêm trị để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Thế Vinh phạm tội khi chưa thành niên nên HĐXX tuyên phạt Thắng 18 năm tù về tội “Giết người”, tổng hợp hình phạt của bản án phúc thẩm tù chung thân trước đây, Thắng phải chịu mức án tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Thế Vinh lãnh mức án 16 năm tù; bị cáo Trần Tấn Phát lãnh 15 năm tù. Vụ án khép lại khiến những người dự khán không khỏi suy nghĩ về quả báo, về tội ác và sự trừng phạt.