Đến ngày 13-3, bà H., chủ tịch UBND một phường ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và gia đình anh N. vẫn chưa có tiếng nói chung về bé gái bị bỏ rơi hôm 1-1-2019 mà bà H. đã làm thủ tục nhận làm con nuôi . Anh N. cho rằng bé gái này là con ruột của mình nên gửi đơn đến chính quyền nhờ can thiệp để bà N. trả lại con cho mình.
Thương lượng nửa tháng bất thành
Ngày 1-1-2019, người dân trong một con hẻm ở TP Cà Mau phát hiện một bé gái còn dây rốn bị bỏ rơi trong một chiếc cặp. Dân báo chính quyền và được khóm/phường đến lập biên bản tiếp nhận theo thủ tục quy định.
Sau đó bé gái này được bà H. đem về nuôi dưỡng cho đến ngày nay. Bà H. đã làm thủ tục nhận bé làm con nuôi và được cơ quan chức năng chấp thuận.
Và trong hơn nửa tháng nay, từ ngày 26-2, có một nhóm người xưng là cha mẹ, ông bà nội của bé gái đến gặp bà H. xin cho nhận lại bé gái vì đó là máu mủ của mình. Tuy nhiên, bà H. chưa đồng ý giao bé cho họ.
Hai bên đã bắt đầu căng thẳng trong khoảng ba ngày qua. Bà H. đã mời những người này ra khỏi nhà, không cho thăm nom bé nữa. Còn phía những người xưng là cha mẹ, ông bà nội của bé gái đã phát đơn đến phường và lãnh đạo TP Cà Mau nhờ can thiệp khẩn cấp để bà H. giao con lại cho mình.
Người mẹ nhận lỗi, cả nhà cầu xin
Theo đơn của anh N. và lời trình bày của ông T., cha của N., sự vụ bỏ rơi bé gái là chủ ý của mẹ bé, tức chị K.
Ông T. trình bày, N. và K. sống như vợ chồng từ nhiều năm qua nhưng chưa đăng ký kết hôn và chưa tổ chức đám cưới. Do thấy N. và K. chỉ ham chơi, không biết lo làm ăn, ỷ lại vào cha mẹ nên vợ ông T. giận, đuổi ra khỏi nhà từ gần một năm qua. “Có lần K. gọi báo cho vợ tôi là đã có thai bốn tháng với thằng N. Do trước đó sống chung có vài lần K. làm vợ tôi mất lòng tin nên vợ tôi không tin mà còn la rầy thêm. Có lẽ từ đó mà khi sinh nở nó cũng không báo cho vợ chồng tôi biết” - ông T. kể.
Theo đó, K. sinh con tại BV TP Cà Mau. Trong quá trình chờ sinh, K. và N. cãi vã, N. giận bỏ về nhà cha mẹ rồi lái xe đường dài chở hàng cho cha. N. không nói gì về việc K. đã sinh nở cho vợ chồng ông T. biết.
Cũng theo ông T. vào ngày 26-2, tình cờ ông nghe được câu chuyện con dâu sinh con và đem bỏ đi, ông lập tức tìm hiểu thì đúng là sự thật. Ông gọi con trai về ngay trong đêm cùng ông đi tìm K.
Khi đó, K. và N. mới nói hết sự tình, rằng do N. ghen tuông và từng nghi ngờ cháu bé không phải con mình, K. hận nên… bỏ con. K. đã nhờ anh ruột mình chở đi bỏ con ở trước cửa một gia đình giàu có, ngồi rình cho đến khi thấy có người đến phát hiện và nhặt đứa bé thì mới bỏ về.
Ông T. và vợ đã buộc N. và K. đến gặp bà chủ tịch phường nhận lỗi về việc bỏ con. Rồi cả nhà xin lại cháu bé nhưng không thuyết phục được bà chủ tịch phường chấp nhận giao trả. “Cùng đường, chúng tôi mới gửi đơn đến cơ quan chức năng cầu cứu” - ông T. nói.
Tâm sự của nữ chủ tịch phường
Trao đổi với chúng tôi về sự vụ này, bà H. nói rõ: “Khi dân báo nhặt được đứa bé, chúng tôi đã làm thủ tục đúng quy định, đã thông báo tìm cha mẹ đẻ của bé đúng thời gian quy định nhưng không ai đến nhận. Sau đó tôi đã làm thủ tục xin nhận con nuôi và đã được Sở Tư pháp hoàn tất đúng quy định. Về lý thì tôi không thể giao trả đứa bé được khi những người đó chưa chứng minh được đầy đủ căn cứ pháp lý họ là cha mẹ đẻ của cháu bé. Về tình thì thú thật tôi cũng đã bén hơi và quá thương đứa con nuôi của mình…”.
Sau phút trải lòng, bà H. nói biết rằng thể nào rồi bà cũng phải trao trả cháu bé cho cha mẹ đẻ nhưng như đã nói, ai muốn nhận lại bé thì phải chứng minh đầy đủ căn cứ pháp lý theo quy định. “Vì trước giờ cũng có nhiều người muốn nhận đứa bé. Nếu tôi mềm lòng giao trả ngay mà không có những thủ tục đúng quy định thì có phải tôi sẽ gánh trách nhiệm về sau hay không!” - bà H. nói.
Chúng tôi hỏi bà H. đã có giải thích cho phía N. và gia đình nghe việc chứng minh đúng quy định chưa, bà H. bảo: “Nếu bên đương sự có nhu cầu thì tự tìm hiểu, thú thật là tôi chưa hướng dẫn họ”.
Mong rằng câu chuyện sớm kết thúc có hậu để quyền lợi cháu bé được đảm bảo đầy đủ nhất. Và khi đó, vị nữ chủ tịch phường tuy không còn gần gũi đứa con nuôi mình nhiều nhưng tình thương yêu nào đâu đã không tròn đầy.
Luật bảo vệ nữ chủ tịch phường
Nhà nước khuyến khích mọi người có điều kiện tốt để nhận nuôi những cháu bé bị bỏ rơi làm con nuôi. Pháp luật cũng không có sự phân biệt giữa cán bộ nhà nước với người dân khi làm thủ tục nhận nuôi con nuôi.
Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: "Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình". Không ai biết chính xác những người tự xưng là người thân có phải là cha, mẹ ruột của cháu bé hay không. Để đảm bảo an toàn cho cháu bé, bà chủ tịch phường cũng không nên tự ý trao cháu bé cho họ khi chưa có phán quyết của tòa án. Do đó, trong trường hợp này những người nhận là cha, mẹ ruột của cháu bé chỉ có cách khởi kiện ra tòa án.
Tuy nhiên, nếu tòa xác định họ là cha, mẹ ruột của cháu bé thì cũng không làm ảnh hưởng đến việc bà chủ tịch tiếp tục nuôi cháu bé. Bởi lẽ theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi thì chỉ có thể chấm dứt việc bà chủ tịch nhận nuôi con nuôi khi: Con nuôi đã thành niên và cha, mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; cha, mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi…
Vì vậy, nếu bà chủ tịch phường không vi phạm Luật Nuôi con nuôi thì cho dù tòa đã xác định ai là cha, mẹ ruột của cháu bé thì pháp luật vẫn bảo vệ bà được tiếp tục nuôi cháu bé. Tất nhiên, bà chủ tịch phường vẫn có thể vì quyền lợi cao nhất của cháu bé, vì sự cảm thông với cha, mẹ đẻ bé mà có cách hành xử cao đẹp hơn.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM