Từ lâu những loại bánh dân gian đã gắn liền với cuộc sống của người dân. Bánh xuất hiện không chỉ trong đời sống thường nhật mà còn trong các dịp lễ, Tết. Hội đủ những tinh túy trong các sản vật địa phương, rồi qua bàn tay khéo léo của người làm mà bánh trở nên thơm ngon, tròn vị.
Bánh có thể được chế biến giản đơn hay cầu kỳ nhưng đều có một điểm chung là giữ được hương vị truyền thống và sự chăm chút của người làm gửi vào từng chiếc bánh.
Bánh cuốn ngọt, một loại bánh dân gian của miền Tây Nam bộ. Ảnh: Phong Dương
Khâu chuẩn bị bột khá độc đáo khi người ta sử dụng phần vỏ xơ màu vàng của trái thốt nốt chín mài nhuyễn rồi hòa vào. Phần đường được sử dụng là đường thốt nốt. Vậy nên khi bánh chín, bánh sẽ có màu vàng ươm rất ngon mắt, thơm, mềm xốp, vị ngọt thanh.Ở từng địa phương Nam bộ lại có những loại bánh ngon đã thành thương hiệu. Về An Giang, du khách sẽ bắt gặp cây thốt nốt ở khắp mọi nơi. Với sự sáng tạo, người dân nơi đây đã làm nên món bánh bò thốt nốt được lòng khách phương xa khi ghé đến.
Về Trà Vinh nơi có thắng cảnh Ao Bà Om đã đi vào thơ nhạc, du khách sẽ khó lòng bỏ qua món bánh tét Trà Cuôn. Bánh có nhiều loại nhân như chuối, thập cẩm đậu xanh, mỡ, trứng muối... Nếp được lựa chọn kỹ càng cùng với sự béo bùi của đậu xanh, mằn mặn của trứng muối hòa vào khiến cho người thưởng thức cảm nhận được sự tổng hòa của các hương vị.
Khi đến Sóc Trăng, ngoài bún nước lèo trứ danh thì bánh pía cũng là một món ngon khó cưỡng. Chiếc bánh với lớp vỏ mịn mềm bao bọc lấy phần nhân béo ngậy, ngọt đậm đà, dậy mùi sầu riêng.
Và còn nhiều những loại bánh dân gian nữa qua sự sáng tạo của người dân. Mỗi loại một phong vị khác nhau nhưng đều từ những nguyên liệu tự nhiên, ngọt lành. Từng chiếc lá chuối được chăm chút, từng hạt đậu được chọn kỹ càng, màu sắc được lấy từ thiên nhiên như đỏ cam quả gấc, xanh của dứa, tím của lá cẩm... đã cho ra chiếc bánh vừa ngon vừa an toàn cho người thưởng thức.
Người đi xa xứ bắt gặp hình ảnh chiếc bánh quê hương trong một hàng quán nào đó giữa thị thành bất chợt thấy lòng lắng lại. Nó gợi nhắc người ta về một làng quê yên bình, ở nơi đó có chiếc áo bà ba, chiếc nón lá, chiếc cối đá xay bột... Những đứa trẻ quê vẫn hay đợi các bà, các mẹ đi chợ về rồi mừng rỡ khi đón nhận một gói xôi, một chiếc bánh khoai mì nhân chuối hấp, chiếc bánh ú nước tro vàng sánh.
Bánh dân gian không cần những nguyên liệu cao sang, khó tìm, mà chỉ cần tận dụng rau trái vườn nhà để tạo nên. Chiếc lá mít để ép bột vào thành bánh lá mít, bánh lá mơ dùng với nước cốt thơm béo, bánh khoai môn với độ giòn nhẹ của từng sợi khoai môn được bào nhỏ để vào...
Chiếc bánh đơn giản mà gắn bó nghĩa tình, mà gây nhớ nhung vì những hương vị thân thương, thơm ngọt. Hương vị bánh quê như mở ra một khoảng trời bình yên của xóm làng, có mái đình uốn cong, có chiếc cầu tre lắc lẻo, vọng về câu hò ai buông lơi giữa bình yên sông nước.
Ngày nay, trong xu thế phát triển, các loại bánh ngày càng đa dạng hơn về chủng loại và phong phú về mùi vị, hình dáng. Tuy nhiên, bánh dân gian vẫn luôn giữ cho mình một vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Đơn sơ mà ngọt lành, chiếc bánh quê hương lưu giữ tinh túy của những sản vật làng quê và sự chăm chút của người chế biến.