“Ngày xưa, sống thử là chuyện ghê gớm lắm, cả hai người đều sợ người khác chê cười, dè bỉu nên giấu giếm rất kỹ. Còn hiện nay, chuyện này được công khai và mọi người dường như cũng nhìn với cặp mắt bình thường” - một công nhân (CN) Công ty Theodore Alexander - KCX Linh Trung 2, nhận xét. Để biết thực hư về vấn đề này, chúng tôi có một chuyến đi thực tế tại các khu nhà trọ có CN sống thử.
Sẵn sàng “dâng hiến”
Đi sâu vào khu Việt Lập, dọc hai bên đường có rất nhiều dãy trọ của CN. Ở đây, đa số dãy trọ đều không có sự quản lý của chủ nên giờ giấc, sinh hoạt của CN rất tự do, thoải mái. “Chủ quy định 4 người ở một phòng, còn nam hay nữ, vợ chồng hay anh em thì không cần biết, miễn sao đóng tiền phòng, điện nước hằng tháng đầy đủ, không quậy phá, gây gổ đánh nhau là được. Vì vậy, chuyện CN “góp gạo thổi cơm chung” rất bình thường ở đây” - chị Thủy, CN Công ty Freetrend - KCX Linh Trung 1, cho biết. Theo chỉ dẫn của chị Thủy, chúng tôi ghé thăm phòng trọ đối diện có hai CN nữ và hai CN nam đang sống chung. Thấy chúng tôi, họ tỏ ra e dè, ngại ngùng. Bất đắc dĩ, hai nữ CN ra tiếp chúng tôi, còn hai nam CN thì vội lên gác “trốn mất”. Sau một lúc trò chuyện, chúng tôi mới biết được họ là hai chị em ruột, tên H. và L., cùng làm CN may trong KCN Bình Đường. Cả hai né tránh mọi câu hỏi về hai bạn nam cùng phòng, chỉ cho biết là anh em họ. Khi chúng tôi hỏi thẳng, H. trả lời ấp úng: “Không phải đâu chị, tụi em là anh em họ nên rủ về sống chung cho tiết kiệm chi phí”.
“Thấy người lạ nên họ nói vậy thôi, chứ ở dãy trọ này ai cũng biết họ sống, sinh hoạt như vợ chồng”- chị Thủy xác nhận. Giống như H. và L., chị M., CN Công ty Phú Hà (quận 12 – TPHCM), cũng tập tành “làm vợ”. Chị M. và người yêu tên D. ở cùng quê Nghệ An. Cuộc sống nơi đất khách quê người thiếu thốn tình cảm đã kéo hai bạn trẻ đến gần nhau hơn. Ở cùng dãy trọ nhưng ban đầu sợ mọi người dị nghị nên mỗi người ở một phòng. Dần dà, đôi bạn trẻ quyết định sống với nhau như vợ chồng.
Muôn vàn lý do
Các phương tiện truyền thông, các buổi tư vấn nói nhiều đến chuyện sống thử nhưng với CN điều này dường như không có tác dụng nhiều. Đến xóm trọ ở hẻm 120 Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức - TPHCM, dãy nhà có 10 phòng trọ thì có 2 cặp vợ chồng, 7 phòng của các cô gái độc thân và một cặp sống thử. Phải chờ rất lâu, cặp vợ chồng sống thử này mới về phòng trọ vì phải tăng ca. L., hiện đang làm CN tại KCX Linh Trung 1, thật thà: “Tụi em yêu nhau trước sau gì cũng cưới nên dọn về ở chung cho tiện”. Tiện lợi, tiết kiệm, có thể đưa đón nhau đi làm, ở bên nhau suốt ngày… được nhiều CN đưa ra để viện dẫn cho lý do sống thử. T., người sống cùng L., cho biết: “Cơm hàng, cháo chợ hoài cũng ngán lại tốn kém, thôi cứ sống chung để có người cơm nước, giặt giũ”. Khi chúng tôi hỏi: “Thế anh chị định bao giờ cưới?”, T. ậm ừ: “Để có đám cưới phải tốn tiền tiệc, tiền xe, tiền ăn cho các cụ ở quê vào… Bao nhiêu thứ cũng tốn vài chục triệu đồng. Cưới xong rồi thì ngập nợ. Thôi, sống như vầy phải khỏe hơn không?”.
Rời khu trọ Linh Xuân, chúng tôi tìm đến dãy trọ gần chợ Phước Long (phường Phước Long B, quận 9 - TPHCM). Khu trọ khá rộng với 3 dãy phòng gần 70 phòng trọ, chủ yếu là cho CN và sinh viên ở thuê, trong đó có nhiều cặp vợ chồng sống thử. Bà Uông Thị Kim Chung, chủ nhà trọ, cũng xác nhận trong dãy trọ có nhiều đôi CN sống thử. Bà Chung cho biết: “Chuyện sống chung bây giờ tràn lan rồi. Ở chỗ tôi cũng có nhiều cặp CN sống thử nhưng vì họ luôn tuân theo nội quy nhà trọ nên tôi cũng chẳng có cớ gì để ngăn cấm”.
Khoảng 90 công nhân phá thai hằng tháng Số liệu từ Phòng khám và Tư vấn sức khỏe sinh sản Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) Chi nhánh tại Bình Dương (số 1B/19 đường số 18, khu phố Thống Nhất 1, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho thấy tỉ lệ nạo phá thai trong CN hiện nay đã đến mức báo động. Bà Nguyễn Thị Phương Ái, phó giám đốc phòng khám này, cho biết trong năm 2011, bình quân mỗi tháng có khoảng hơn 100 ca đến xin nạo phá thai, trong đó khoảng 90% là nữ CN làm việc tại tại KCN Sóng Thần và KCX Linh Trung 1. |
Kỳ tới: Những kết cục buồn