Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp thuận tiện hơn cho du khách và người hành hương.
Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội
Lễ hội chùa Hương 2024 có chủ đề "Chùa Hương: An toàn - Văn minh - Thân thiện" từ ngày 11/2 đến hết 11/5. Lễ khai hội chính thức diễn ra ngày 15/2, tức mùng 6 tháng giêng tại sân Thiên Trù - chùa Hương.
Khách tham quan mua vé điện tử
Việc vận chuyển đò do HTX Dịch vụ Du lịch chùa Hương thực hiện. Đây là điểm mới của năm nay. Giá vé dịch vụ thuyền đò gồm các tuyến: Hương Tích giá 85.000 đồng/người cho hai lượt; Long Vân giá 65.000 đồng/người cho hai lượt; Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người, hai lượt.
Thời gian hoạt động đò: từ thứ hai đến thứ sáu: 5h đến 20h; thứ 7 và chủ nhật: 4h đến 20h.
Giá vé thu phí thắng cảnh 120.000 đồng một người/lượt. Vé ưu tiên 60.000 đồng/người/lượt.
Giá vé cáp treo khứ hồi: Người lớn: 220.000 đồng, trẻ em: 150.000 đồng. Một lượt: người lớn: 150.000 đồng, trẻ em: 100.000 đồng.
Xe điện phục vụ du khách theo lộ trình tuyến với 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe đường số 1 - bến đò chùa Tuyết Sơn. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng một người một lượt.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về,hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng nhau cúng bái, khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng,và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn,với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo
Lễ hội đền Trần, Nam Định
Lễ hội đền Trần xuân Giáp Thìn được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, lễ Khai ấn là tục lệ cổ với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần.
Ngày 11 tháng Giêng (20/2) có lễ rước kiệu Ngọc Lộ, ngày 12 tháng giêng (21/2) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá, ngày 14 tháng giêng (23/2): từ 22h15 đến 22h40 lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 lễ rước Kiệu ấn, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn (lễ chính).
Từ 5h ngày 15 tháng giêng (24/2) phát ấn cho người đi lễ hội tại ba địa điểm: nhà Giải vũ, nhà Trưng bày, đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng giêng (25/2) tế, lễ Tết Thượng nguyên tại đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.
Địa điểm tổ chức các hoạt động tập trung tại khu vực sân quảng trường Đông A thuộc khu trung tâm lễ hội Trần.
Lễ Khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần - “Tích Phúc Vô Cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.
Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị văn hoá tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hàng năm. Du khách trẩy hội Yên Tử mong muốn được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Sau phần nghi lễ của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương tới chùa Đồng trên đỉnh núi.
Sáng mùng 10 tháng Giêng, tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, các vị hòa thượng sẽ thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an và lần lượt đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử. Ngoài ra, phần lễ còn các hoạt động khác như thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm.
Các chi phí: từ đền Trình vào Yên Tử, vé xe buýt 16 chỗ 20.000 đồng/lượt; từ bãi đỗ xe vào chân núi, vé xe điện 10.000 đồng/lượt.
Vé cáp treo tuyến Một Mái - An Kỳ Sinh, tuyến Giải Oan - Hoa Yên, mỗi tuyến một chiều 120.000 đồng/người, khứ hồi 200.000 đồng/người.
Các triều đại vua chúa xưa kia đều xếp Yên Tử là “danh sơn” của nước ta. Không ai biết lễ hội Yên Tử Quảng Ninh hình thành từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ XVII-XVIII, trên đỉnh Yên Tử đã hiện diện một ngôi chùa (Thiên Trúc Tự) có mái ngói đồng, trong chùa có 2 tượng đồng, bên cạnh chùa là Bàn cờ Tiên cùng một chữ Phật khối lớn được khắc vào vách đá,...
Linh sơn Yên Tử không chỉ là nơi có cảnh quan kỳ vĩ mà còn là chốn non thiêng hội tụ nhiều giá trị tinh thần của tổ tiên. Ý nghĩa lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh là tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, văn minh thời Lý, Trần,... lưu truyền đến các thế hệ mai sau.Lễ hội chùa Bái Đính, Ninh Bình
Phần hội có múa rối, hát chầu văn và các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian, diễn ra tại khu vực xung quanh chùa.
Khu du lịch chùa Bái Đính mở cửa từ 6h đến 21h tất cả các ngày trong tuần.
Bái Đính có hai khu là chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới.
Từ cổng chùa Bái Đính vào đến trung tâm khoảng 3,5 km, có thể lựa chọn phương án đi bộ hoặc đi xe điện, xe chạy liên tục và vé được bán ngay tại bến xe.
Các chi phí khi tham quan chùa: xe điện 30.000 đồng/lượt, hướng dẫn viên chùa Bái Đính là 300.000 đồng, cả chùa mới và chùa cổ là 500.000 đồng, vé tham quan Bảo tháp 50.000 đồng.
Chùa Bái Đính được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây cố đô Hoa Lư tựa như tiên cảnh vắt vẻo trên sườn núi Bái Đính, xung quanh chùa được bao bọc bởi các dãy núi đá lớn và thung lũng mênh mông. Chùa Bái Đính Ninh Bình đã thu hút sự chú ý của rất đông du khách trong nước và quốc tế bởi nơi đây từng là nơi đóng đô của nhà Đinh trong lúc tiến hành xây dựng kinh đô Hoa Lư xưa. Cũng chính tại nơi này, đã có ba triều đại Vua Đinh, Tiền Lê, Lý nối tiếp nhau ra đời. Chính vị các vị vua này rất quan tâm và coi trọng đạo Phật nên Ninh Bình đã có rất nhiều ngôi chùa cổ, trong đó có cả chùa Bái Đính.
Lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội
Lễ hội đền Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17/2 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng). Lễ khai hội diễn ra vào 7h30 ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng) tại Khu du lịch - di tích đền Gióng.
Lễ hội Gióng năm nay gồm hai phần chính. Phần lễ là lễ rước 8 lễ vật và lễ tế của các thôn làng. Tám lễ vật theo truyền thống được các thôn làng cung tiến gồm: giò hoa tre, thần mã (ngựa chiến), voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ và cầu húc.
Điểm mới ở lễ hội năm nay, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau tiếp tục được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, chia ra các mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với trầu cau) để làm lễ. Sau đó, lộc sẽ được phát cho người dân. Điều này nhằm tránh việc cướp giò hoa tre và trầu cau thường xảy ra những năm trước.
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Nairobi - Thủ đô của Kenya, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm và đền Sóc thuộc huyện Sóc Sơn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là một trong những tưởng niệm đặc sắc và sinh động về Thánh Gióng. Điều đó càng nhấn mạnh thêm tinh thần “giữ lửa” lễ hội, văn hóa nghệ thuật cổ xưa nước nhà của thủ đô Hà Nội.