Bây giờ, khi đã lớn khôn, tôi mới cảm nhận hết được cái ngon từ miếng bánh đúc đậu phụng của ngoại thuở nào...
Ngoại kể, nhà bà cố ngày xưa chuyên làm bánh đúc đậu phụng đem ra chợ bán. Mỗi buổi sáng, ngoại thức dậy từ rất sớm chạy loanh quanh phụ làm bánh đúc rồi lẽo đẽo theo bà cố ra chợ bán. Bánh đúc rất ngon lại rẻ nên các cô, các bác tranh nhau mua, loáng một cái cả gánh bánh đã hết veo, bà cố chỉ để dành được đúng một miếng cho ngoại ăn sáng, còn mình thì chịu nhịn.
Ngoại kể đến đó thì mắt đã rơm rớm liền lấy vạt áo chấm chấm để che đi những giọt nước mắt lặng lẽ của người già. Đối với ngoại tôi, món bánh đúc đậu phụng không chỉ đơn thuần là một món ăn thời lam lũ, không chỉ là kế sinh nhai nửa đời người của ngoại. Nó còn chứa đựng cả một miền ký ức mênh mông khiến người ta phải bùi ngùi khi nhớ về.
Sau này khi bà cố mất, ngoại tôi lại nối tiếp nghề làm bánh đúc đậu phụng để nuôi lớn bầy con. Bao nhiêu năm làm ra hàng trăm ngàn cái bánh đúc, mỗi ngày đều phải nếm qua xem bánh đúc có vừa miệng không vậy mà chẳng những ngoại không ngán mà còn ghiền món bánh đúc một cách kỳ lạ. Bây giờ khi đã già tuổi cao sức yếu, ngoại vẫn thường hay làm bánh đúc để ăn, để nhớ về những ngày tháng quá vãng và để truyền cho chúng tôi bí quyết làm ra những chiếc bánh đúc mềm, mịn, mát lành, dẻo thơm.
Để làm ra chiếc bánh đúc ngon, ngoại chọn loại gạo tẻ đem vo sạch, ngâm từ đêm hôm trước rồi mới đem xay thành bột mịn. Đậu phụng ngâm nước cho nở khoảng 6 giờ rồi luộc chín. Muốn bánh được giòn, dai thì nguyên liệu không thể thiếu của món bánh đúc là nước vôi. Vôi hòa chung với nước lạnh, để vài tiếng đồng hồ cho lắng cặn rồi chắt lấy nước vôi trong.
Mọi thứ đã sẵn sàng để sáng hôm sau ngoại tôi bắt đầu làm món bánh đúc đậu phụng mà bất cứ thực khách khó tính nào cũng phải ghiền. Nước vôi pha với bột gạo phải theo đúng tỉ lệ để chiếc bánh đạt đúng độ giòn, dai, dẻo mà không bị quá cứng hay quá bở. Sau khi pha xong phải đợi khoảng 3 tiếng sau để cho mùi vôi bay đi hết mới đem đi nấu.
Trộn hỗn hợp nước vôi, bột gạo với tí muối và dầu ăn để món ăn thêm phần béo và đậm đà rồi đặt lên bếp dùng đũa quấy liên tục để bột chín đều mà không bị cháy ở đáy nồi. Ngoại kể ngày xưa, quấy bột trên bếp củi cực lắm, phải canh lửa nhỏ và quấy thật đều tay để bột chín đều. Quấy khoảng 15 phút bột bắt đầu sánh lại, tay bắt đầu nằng nặng thì ngoại đổ đậu phụng luộc chín vào, đậy vung lại, tiếp tục giữ lửa liu riu.
Ngoại chuẩn bị sẵn những cái chén con con rồi lần lượt đổ bột vào từng chén. Từng khối bột sánh quyện nóng hôi hổi lẫn vài hạt đậu phụng từ từ đặc lại rồi nguội dần cho ra đời những khuôn bánh đúc nhỏ nhắn, xinh xắn.
Bánh đúc phải ăn ngay lúc còn hơi âm ấm mới cảm nhận được vị dẻo thơm, mát mịn của bột gạo hòa nước vôi, vị bùi bùi béo ngậy của đậu phụng, quẹt thêm ít tương để tăng thêm mùi vị đậm đà.
Bánh đúc dễ làm, ăn vào bữa sáng, bữa trưa, bữa xế, bữa tối đều được. Cách ăn đơn giản, không cầu kỳ, không cần đũa muỗng, chỉ cần cầm miếng bánh đúc lên, quẹt ngay vào chén tương rồi đưa lên miệng cắn một cái sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì vị ngon quá đỗi dù chiếc bánh đúc nhỏ nhắn chỉ được làm ra từ những nguyên liệu hết sức bình thường, chân quê.
Vì vậy, dù có bao nhiêu sơn hào hải vị bày ra trước mắt, ngoại tôi cũng chỉ chọn mỗi món bánh đúc đậu phụng để thưởng thức. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không sống như chiếc bánh đúc bé nhỏ, chẳng mưu cầu gì, chỉ chân quê, giản dị mà ngon lành biết nhường nào. Nếu được như vậy thì có lẽ cuộc sống này đã đơn giản gấp nhiều lần.
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.