Tôi choàng mở mắt, cảm nhận được mùi hương ngầy ngậy của hành phi, của mộc nhĩ, nấm hương quyện hoà trong không khí. Trong một thoáng, cơn ngái ngủ như tan biến hẳn. Chưa cần xuống đến bếp tôi cũng đoán được mẹ đang làm bánh hòn tai rồi. Được thưởng thức cái món bánh ấm nóng ngon lành ấy vào những ngày trời mát mẻ, se se lạnh nữa thì chẳng còn gì hạnh phúc hơn.
Tôi đã từng nghĩ rằng ai cũng lớn lên với tuổi thơ có bánh hòn tai giống như tôi cho đến khi tôi xuống Hà Nội học học đại học. Trong những ngày đầu làm quen, tôi ngạc nhiên xe lẫn vui mừng khi phát hiện ra rằng bánh hòn tai chẳng có nơi nào có cả. Thế là trong khi các bạn ở Thanh Hoá khoe về đặc sản nem chua, các bạn ở Thái Bình khoe bánh cáy, Nam Định thì khoe phở bò, riêng tôi nói về bánh hòn tai quê mình. Các bạn bảo tên bánh thôi nghe đã thấy lạ lùng rồi. Chẳng hiểu sao khi nói đến đó, tôi lại nhớ đến dáng mẹ tôi đang ngồi nặn bánh với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi.
Trong kí ức của tôi, bình yên là khoảnh khắc khi được ngồi cùng mẹ trong căn bếp nhỏ, hai mẹ con nặn bánh và cùng truyện trò. Mẹ từng dặn tôi: Làm bánh thể hiện sự kì công tỉ mỉ của người phụ nữ, nhưng làm bánh hòn tai thì còn thử thách cả sự kiên trì, nhẫn nại nữa.
Mỗi chiếc bánh hòn tai bé bằng hai đầu ngón tay, thế mà bên trong còn phải đủ cả nhân hành, thịt. Bột bao ngoài phải nặn đều, bởi vì bánh hình dẹt, nên nếu không nặn khéo thì khi hấp chín, miếng bánh dễ bị bung ra lắm.
Bánh hòn làm chín bằng phương pháp hấp cách thuỷ. Xếp những chiếc bánh đều đặn vào khuôn nồi, sau đó để lửa liu riu chừng 10 phút là bánh chín. Lần nào lấy bánh ra, mẹ cũng cho tôi thử cái đầu tiên với câu hỏi quen thuộc: Thấy được chưa nào?
Miếng bánh trắng bông, còn nóng hôi hổi, nhân thịt đậm đà, làm sao mà không “được” hả mẹ.
Mẹ tôi chọn gạo làm bánh kì công lắm. Không phải là gạo Khang Dân, bởi gạo này cứng và khô, cũng chẳng phải gạo Tám thơm hay bất cứ loại gạo đặc sản nào khác, nhất định chỉ là gạo Vũ Di.
Mẹ tôi thường phải ngâm gạo trước 2-3 ngày, rồi xay, rồi gạn cho đến khi mẹ rải mỡ lên mặt mâm và nhào khối bột cho nhuần nhuyễn thì tôi cơ hồ như thấy đĩa bánh nóng hổi đang bốc hơi ngon lành trước mặt mình vậy.
Chính vì quá trình làm kì công như thế nên không phải khi nào thèm bánh là làm ngay được. Thế mà ngày bé, mỗi khi bị ốm, tôi đều nằng nặc đòi ăn bánh hòn tai cho bằng được. Tôi không ăn được loại người ta làm sẵn và bày bán ngoài chợ, nhất định phải là mẹ tôi làm cơ. Cứ ăn xong đĩa bánh đầy ú ụ là tôi thấy mình khoẻ khoắn hẳn ra mà cũng không giải thích được lí do.
Nói nghe có vẻ buồn cười nhưng thời thơ ấu, cứ khi nào thèm bánh là tôi lại thấy mình như lên cơn sốt vậy, lại mong ốm nhanh nhanh để vòi mẹ làm bánh.
Cái mùi vị ngon lành của bánh hòn tai theo tôi lớn lên, ngay cả khi có cơ hội thưởng thức những món ngon của những vùng quê khác, của những đất nước khác, tôi vẫn biết rằng bánh hòn tai của mẹ, của quê vẫn là món ăn ngon nhất mà tôi từng biết. Phải chăng, bởi mẹ tôi đã làm nó bằng tất cả tình yêu thương của mình?
(*)Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.