Tôi còn nhớ những buổi chiều, ba về thật sớm, trên tay xách lỉnh kỉnh các thứ đồ để chuẩn bị nấu nướng cho bữa cơm chiều thay cho mẹ. Nhìn đôi tay ba thoăn thoắt từ nhặt rau, chặt thịt, ướp đồ ăn... tôi thấy hình ảnh ba tôi trở nên vĩ đại đến lạ thường. Những buổi chiều tan tầm như thế này là thời gian các ông chồng la cà quán xá, lai rai vài chai bia với bằng hữu, còn ba tôi lại lui cui trong căn bếp nhỏ, trên tay dính đầy dầu mỡ, quần áo ám đầy khói chế biến những món ăn nóng sốt cho cả nhà cùng thưởng thức. Hình ảnh đó đã khiến tôi nghĩ rằng, sau này nhất định tôi sẽ lấy một người chồng biết nấu ăn như ba tôi.
Những buổi chiều lỡ cỡ chưa đến bữa cơm tối, trời lại hiu hiu sắp chuyển mưa, tôi lại thường mè nheo ba làm món bánh cay. Sau này lớn lên, tôi mới biết để làm nên những miếng bánh cay ngon miệng phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi và sự hi sinh vô bờ bến của ba.
Ở sau nhà tôi, ba luôn trồng sẵn một hàng khoai mì. Mỗi khi tôi muốn ăn bánh cay ba lại xách con dao cùn, tất tả chạy ra sau nhà. Sau một hồi hì hụi, những củ khoai mì to bám đầy bùn đất đã chịu trồi lên mặt đất trong tiếng vỗ tay, reo vang vui sướng của tôi. Ba dạo quanh vườn ngắt thêm mấy cọng hành lá, bẻ vài quả ớt chín đỏ, vậy là đã đầy đủ nguyên liệu làm món bánh cay.
Khoai mì sau khi đào lên ba tôi lột sạch lớp vỏ thô cứng bên ngoài để lộ ra phần thịt trắng phau mượt mà. Trước khi chế biến món bánh cay, khoai mì phải được ngâm qua nước muối để lọc sạch mủ độc. Bánh cay muốn ngon dẻo dai phải xay mịn chứ không nên bào sợi. Ngày xưa làm gì có dụng cụ để bào khoai mì như bây giờ nên ba tôi phải tự xoay xở dùng búa và đinh đục từng lỗ nhỏ trên miếng nhôm để tạo thành công cụ bào mịn khoai mì tuyệt vời. Mấy ba con hì hục bào khoảng 20 phút là đã được một tô khoai mì to.
Khoai mì sau khi bào mịn ướp chút muối rồi bỏ vào miếng vải thưa vắt cho ráo nước. Tiếp đó, ba tôi bỏ hành lá, ớt xắt nhuyễn, nêm thêm ít bột ngọt, tiêu, tất cả trộn đều cho khoai mì thấm gia vị. Khoai mì nên vo thành từng khối nhỏ, dày không nên nắn khoai mì mỏng, khi chiên sẽ làm mất độ dẻo dai của khoai.
Chiên bánh khoai mì cũng khá hao dầu, nếu chiên không khéo sẽ làm bánh khoai mì hút nhiều dầu mỡ. Ba dặn nên đợi chảo dầu sôi rồi thả từng khối khoai mì vào ngập dầu, không nên chiên lửa quá to tránh trường hợp ở ngoài đã cháy mà bên trong bánh khoai vẫn còn sống sượng. Khoai mì vàng đều hai mặt vớt ra phải để thật ráo dầu sẽ có ngay dĩa khoai mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn.
Cắn miếng bánh cay ngập răng sẽ cảm nhận ngay vị cay the nơi đầu lưỡi và cảm giác dẻo dai ở bên trong cùng vị giòn rụm ở bên ngoài ngon mê li, khó ai mà cưỡng nổi. Bánh cay phải ăn lúc mới nhắc xuống từ bếp mới cảm nhận đủ độ cay, nóng đến đỏ bừng cả mặt.
Dù bây giờ ở chợ vẫn có những cô, thím bán bánh cay nhưng không thể tìm ra đâu hương vị của món bánh cay do chính người đàn ông tôi yêu thương nhất làm. Ba tôi đã hi sinh những thú vui của những người đàn ông bình thường để làm nên một tuổi thơ bình yên và kí ức ngọt ngào, nồng ấm như món bánh cay thuở nào.
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.