Quê hương là một thứ gì đó rất đỗi thiêng liêng trong lòng mỗi người, nhất là với những người con viễn xứ. Tôi là cô gái của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Tôi đến Sài Gòn đã hơn 7 năm và cũng chính những ngần ấy năm tôi rời xa quê nhà. Mỗi lần tôi gặp phải những khó khăn, muộn phiền của cuộc sống tôi đều nhớ quê hương và những lúc ấy tôi lại nhớ nhà và món canh đu đủ trứng của cha da diết.
Cha tôi rất “mát” tay, trồng cây nào cũng tốt và trái rất nhiều. Còn nhớ năm tôi học lớp 10, vào mùa mưa, đi học rất cực vì đường bùn lầy và phải đạp xe đường xa. Mỗi chiều tan học về, tôi chỉ ước sao về thật nhanh để được ăn bữa cơm chiều mẹ nấu.
Năm ấy, cây đu đủ bên hong nhà cha trồng trái rất say và rất ngọt. Một buổi chiều như thường lệ, tôi về đến nhà trời đã chạng vạng tối và chiếc áo dài lúc nào cũng ươn ướt những giọt mưa. Vừa bước vào nhà đã thấy cha đứng bên bếp củi với nồi canh nghi ngút khói, tôi ngửi thấy mùi thơm thật lạ và thật hấp dẫn… đó là canh đu đủ trứng.
Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món canh ấy và thật ấm áp hơn khi mẹ tôi nói rằng cha nấu món canh ấy cho tôi.
Đu đủ được mọi người biết đến như một loại trái cây, thường dùng khi chín. Một số vùng, miền cũng dùng đu đủ như một loại rau quả để nấu canh nhưng chủ yếu dùng lúc còn xanh. Nhưng món canh đu đủ trứng của cha tôi thì lại khác, cha chỉ chọn nấu những trái đu đủ khi đã bắt đầu hườm hườm (giai đoạn chuyển từ trái còn xanh sang chín), không xanh cũng không quá chín.
Điều đặt biệt hơn là canh đu đủ của cha không phải hầm xương, thịt… mà chỉ nấu với trứng. Đơn giản vì lúc ấy gia đình tôi không có điều kiện cao về kinh tế.
Canh đu đủ trứng nấu theo “đúng điệu” của cha tôi là phải theo công thức sau:
Chuẩn bị: đu đủ gọt vỏ, xắt lát dày khoảng 2-4 cm và ướp trước gia vị. Trứng đập vỏ cho vào chén thêm ít đường, bột ngọt, muối, hành lá và tiêu sau đó đánh trứng lên cho đều tay.
Trứng đập vỏ, cho vào chén và đánh đều
Chế biến: Phi tỏi vàng thơm sau đó cho đu đủ vào xào sơ, nhìn thấy lát đu đủ săn lại thì đổ nước vào cho vừa ngập. Nấu sôi một lát cho đu đủ chín rồi cho trứng vào khuấy đều, nêm nếm vừa ăn, thêm chút hành tiêu rồi nhắc xuống bếp.
Nước sôi, đu đủ vừa chín mềm thì cho trứng vào, khuấy đều
Tôi luôn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức món cánh đu đủ trứng ấy. Lát đu đủ vừa mềm, vừa ngọt tan trong miệng cùng với vị thơm, cay của trứng và tiêu làm tôi nhớ mãi không quên.
Những năm tháng còn là sinh viên, tôi vẫn thường nấu món canh ấy ăn và đãi cả bạn bè. Tôi biết có sự khác nhau trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây Nam Bộ và các vùng miền khác là có sử dụng đường làm gia vị nấu ăn. Khi tôi nấu món canh này, tôi vẫn cho thêm một ít đường vì tôi muốn giữ cái công thức đúng điệu của cha tôi. Nó không chỉ là ngọt đường mà còn ngọt cả tình cảm thiêng liêng của một người cha và ngọt vị quê hương.
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.