Tôi ra đời không cha, chỉ có mẹ. Vậy nên với tôi, mẹ là tất cả. Mẹ là cha, là mẹ, lại cũng là thầy. Người thầy ấy dạy tôi rất nhiều điều, kể cả những điều tưởng như không thể nào dạy được. Trong ký ức của tôi, mẹ là người phụ nữ tháo vát, đảm đang, dường như không bao giờ chịu lùi bước trước trở ngại, khó khăn. Mẹ thường bảo, sống ở đời, nhiều khi con người phải học cách biến cái không thể thành có thể….
Biến không thể thành có thể? Đó quả là một câu nói trừu tượng, quá sức tiếp nhận của tuổi thơ. Hình như khi buột miệng câu nói ấy ra, mẹ đang tự nhủ với chính mình nhiều hơn là nói với tôi. Vậy nhưng, tới một ngày, tôi chợt hiểu ý mẹ tôi khi chứng kiến một trong những nỗ lực biến không thành có của Người: nấu canh môn sáp!
Không phải canh môn sáp nấu bằng củ - một món mà ai cũng nấu được. Món canh mà mẹ tôi nấu ở đây là canh… tàu môn sáp! Vốn dĩ, tàu môn sáp rất ngứa, người không ăn được, chỉ để cho… heo ăn.
Ngày tôi còn nhỏ, ở quê, người ta hay trồng lộn xộn xuống ao các giống môn thuộc đủ chủng loại. Giống môn duy nhất có thể dùng tàu để ăn được gọi là môn ngọt. Môn ngọt dễ nhận biết nhờ cái chấm tím đỏ nằm trên đỉnh tàu, giữa rốn lá. Cắt môn ngọt về nấu canh, sơ ý mà lộn chỉ một tàu con môn sáp bên trong là bữa ấy xoong canh xem như… bỏ. Bởi húp vào một miếng nó ngứa ran từ mồm lan sang cổ họng, không thể nuốt trôi…
Vậy mà, thực khó tin, món canh tuyệt diệu của mẹ tôi lại được nấu từ những tàu môn sáp “đáng ghét” ấy!
Tò mò dõi theo từng công đoạn mẹ chế tác xoong canh, tôi mới biết bí kíp của mẹ nằm trong qui trình nấu nướng. Canh môn sáp phải nấu đúng cách, mẹ bảo, nấu sai là… đổ bỏ, không ăn được!
Theo lời giảng giải của mẹ, môn sáp lấy về cắt bỏ lá rửa sạch, để nguyên tàu không cắt, không tước vỏ, khoanh tròn lại cho vào xoong, đổ ngập nước lên tất cả các tàu môn. Đậy vung kín, bắc xoong lên bếp, nấu sôi. Sau đó rút bớt lửa, để riu riu, hầm khoảng vài tiếng đồng hồ cho các tàu môn bấy nhừ ra.
Muốn biết môn chín đúng độ chưa, thi thoảng mở vung, dùng đũa con chích nhẹ xuống các tàu môn, nếu thấy thủng qua dễ dàng là khả năng môn đã chín. Lúc này, nếu dùng đũa đảo, quậy các tàu môn hầu như đánh mất độ dai của vỏ, đụng tới đâu rã tan vào nước tới đó (vậy là yên tâm, chắc chắn môn không còn ngứa).
Tiếp đến, cho thịt cá vào xoong, đun lớn lửa cho chín, nêm nếm vừa ăn rồi cho vào một ít rau nêm. Xong! Ta đã có thể đàng hoàng múc ra tô ra bát mà mời thực khách thưởng thức một món canh đặc sản – quê thì có quê - nhưng không phải dễ tìm!
Ngày nhỏ, tôi mê món canh môn sáp nấu cá trê nêm lá hẹ (theo lời mẹ, cá trê cũng là món nấu canh môn sáp ngon nhất). Thịt cá trê dai nên thường người ta bỏ cá vào hầm chung một lượt với môn để thịt cá được rục.
Nói về hương vị của tô canh môn sáp thì… ăn rồi mới biết: Nó vừa thơm, vừa ngọt – cái vị ngọt “đặc chủng” mà những trã canh môn ngọt thường ngày nấu ăn còn lâu mới dám sánh!
Đành rằng cũng có phần vị ngọt của thịt cá; nhưng đó thực sự là yếu tố phụ. Cái chính là chất ngọt của môn, thứ chất ngọt từ những tàu môn hầm rục đã rã rời ra, tan biến thành thứ nước đặc sanh sánh, vàng xanh, chưa ăn đã nghe thoảng dậy cái mùi thơm ngon ngót, ngầy ngậy của môn quyện cùng vị hăng hăng khiêu khích của các loại rau nêm khiến cho thực khách - dù chưa đến bữa cơm – bỗng dưng nghe bụng đói cồn…
Còn cái ngứa? Hầu như không ai còn nhớ tới (đúng ra, mồm miệng vẫn còn mơ hồ chút vị lăn tăn, xon xót nhưng không đáng kể bởi canh ngon quá!).
Ấy nhưng chớ thấy vậy mà chủ quan trong lần nấu sau. Tôi còn nhớ, mỗi lần dạy chị Hai nấu canh môn sáp, mẹ luôn dặn đi dặn lại: Nấu canh môn sáp thì không được nóng vội! Không được tham ăn! Phải biết kiên nhẫn mà chờ…
Viết đến những dòng này, tự nhiên tôi sực nhớ ra hình như lâu lắm rồi, từ ngày mẹ mất, tôi chưa một lần được nếm lại món canh môn sáp ngày xưa…
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.