Sau 30-4-1975 gia đình tôi đi vùng kinh tế mới Bàu Cạn (hiện nay là xã Bàu cạn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Thời ấy, vùng này còn là rừng hoang vắng, cách đường lộ chính đi Vũng Tàu gần 10 cây số. Đường đi là đất đỏ, khi mưa dính như đất sét, khi nắng thì bụi bay mù trời.
Nhà nghèo với 10 nhân khẩu gồm ba mẹ tôi và 8 đứa con lít nhít; đứa lớn nhất là tôi vừa qua hết cấp 2 , bé út mới lên 5. Mỗi tuần mẹ tôi đi chợ một lần, mua những nhu yếu phẩm tối thiểu cần cho cuộc sống hàng ngày như mắm muối, cá khô, tôm khô, bột ngọt, mỡ… Cá thịt tươi hầu như không có, gạo thì được nhà nước trợ một phần thời gian đầu.
Được cái đất đỏ bazan trồng gì cũng tốt, tất cả đất khai khẩn được nhà tôi trồng 2 loại lương thực đó là đậu phộng và khoai mì. Thế là chỉ một thời gian ngắn, gia đình tôi giải quyết được trước mắt cái ăn hàng ngày.
Đặt biệt với khoai mì, mẹ tôi ngoài việc nướng , luộc, làm bánh , nấu chè… đủ kiểu còn nấu canh với tôm khô và rau húng quế tuyệt ngon mà cứ cách ngày chúng tôi lại được ăn.
Thật ra, mẹ tôi nói ban đầu mẹ làm món canh khoai mì chẳng qua là ăn kèm cho đỡ tốn gạo. Mà quả thật vậy, với 1 chén cơm thì có đến 2/3 là canh khoai mì. Ăn riết rồi đám trẻ chúng tôi đâm ghiền nhất là những buổi cơm chiều, trong căn nhà tranh vách lá, mưa rừng giăng giăng mù mịt, cả đám xì xụp bên nồi canh khoai mì nóng thưởng thức vị ngọt của tôm khô, dẻo dẻo của khoai mì đượm mùi thơm lá húng quế kèm vị beo béo của tóp mỡ. Chúng tôi cứ thế mà mà lớn...
Sau này về thành phố, gia đình tôi đã khá giả hơn, có của ăn của để nhưng khi mẹ tôi còn sống, mỗi tuần chí ít một lần chúng tôi lại đòi mẹ nấu canh khoai mì một lần nói là… để nhớ hương vị xưa.
Nấu canh khoai mì rất dễ, cũng không cần bí quyết cao siêu, điều cốt lõi là phải biết chọn loại khoai mì dẻo (khoai mì bở bột thì luộc và làm bánh ăn ngon hơn), đường kính khoảng 2-3 cm và không nên chọn củ tươi mới nhổ, phải để nó heo héo một chút càng dẻo hơn.
Sau khi bóc vỏ, xắt khoai thành từng miếng dài khoảng 5 cm (có thể ngắn hơn hoặc sắt con cờ cũng được), ngâm nước muối pha loãng khoảng 1 tiếng đồng hồ để nó ra nhựa độc.
Vớt khoai ra, rửa sạch, cho vào nồi luộc 15 phút rồi trút ra rổ bỏ nước (sau khi qua công đoạn này chúng ta yên tâm không còn tí độc tố nào trong khoai mì nữa).
Ngâm một ít tôm khô vài phút trong nước ấm, rửa sạch và giã giập.
Bắc xoong lên bếp làm nóng, cho ít mỡ, hành tím băm nhỏ và tôm khô phi cho dậy mùi thơm, cho khoai mì xào đều tay. Tiếp theo, đổ nước ngập khoai, đậy vung để lửa nhỏ cho khoai chín đều.
Khi khoai chín nêm nếm gia vị gồm muối, bột ngọt,đường và đặt biệt khi nhắc xuống thì nêm một ít lá húng quế xắt nhỏ. Húng quế là gia vị không thể nào thiếu trong món canh khoai mì vì nó làm cho canh khoai mì có hương thơm đặc trưng mà không phải canh nào cũng có được.
Món canh khoai mì không thể thiếu tôm khô và rau quế
Với các nhà dinh dưỡng học thì có thể khoai mì có tỉ lệ dinh dưỡng thấp nhất so với các loại lương thực thực phẩm khác nhưng nó chính là cứu cánh giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn đời sống khó khăn. Và canh khoai mì đã cùng tôi đi qua suốt thời thiếu niên, đong đầy tình cảm ngọt ngào của mẹ, nồng ấm của gia đình.
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.