Những bức ảnh trẻ nhỏ được người lớn đăng công khai, không chọn lọc, trên mạng xã hội vô tình trở thành nguồn ảnh tư liệu tiếp tay cho tội ác.
Nguồn ảnh dồi dào cho các web đen
Chuyên viên điều tra cấp cao Toby Dagg thuộc Ủy ban An toàn mạng của Australia cho biết, một trang web cho đối tượng ấu dâm mà ủy ban này điều tra được có đến 45 triệu hình ảnh các bé.
Một nửa số ấy được tổng hợp từ chính các trang blog, mạng xã hội mà phụ huynh đăng lên.
Tội ác phía sau những cú click chuột.
Đầu năm 2015, truyền thông Anh từng đưa tin, một cặp vợ chồng ở nước này vô tình nhìn thấy những bức ảnh trẻ những đứa bé sơ sinh khỏa thân hoặc bán khỏa thân được đăng lên một trang web nội dung ấu dâm ở Nga.
Một người mẹ (giấu tên, sống ở Lancashire, Anh) có con gái 3 tuổi cũng đã sững sờ khi thấy ảnh con chụp với chiếc váy đẹp xuất hiện trên trang này.
Ông của bé đã vô tư đăng ảnh lên trang Facebook là không cài bất cứ chế độ riêng tư nào.
Điều gây sốc chính là những lời bình luận cợt nhả phía dưới những bức ảnh. Trang web này có đến 41 triệu bức ảnh được đăng từ năm 2006.
Một bức ảnh hồn nhiên của trẻ cũng có thể bị bóp méo.
Nữ cảnh sát Erin Cash từng có 12 năm làm việc cho lực lượng cảnh sát ở Queensland, Australia. Cô từng điều tra liên quan đến các vụ ấu dâm, tấn công trẻ.
Cô đã viết một báo cáo chia sẻ cho cộng đồng về những gì mình tận mắt tiếp cận:
‘Những kẻ xấu luôn tìm mọi cách để được lợi cho chúng, bất chấp gây hại, làm tổn thương người khác. Với bạn, bức ảnh một bé gái 7 tuổi với bộ đồ tắm là hình ảnh rất dễ thương, trong sáng.
Thế nhưng, với những kẻ trục lợi, đây là những hình ảnh có thể thu hút trên trang web. Chúng cần gương mặt trẻ thơ, còn lại chúng sẽ dùng kỹ thuật ghép ảnh ghép phần cơ thể nhạy cảm vào’.
Miếng mồi ngon của những kẻ lừa đảo
Tháng 2-2017, chị Sarah Allen (36 tuổi) sống ở thị trấn St Neots, nước Anh liên tục báo với Facebook hơn 30 lần việc có kẻ lấy hình con chị , bé Jasper Allen (3 tuổi) để kêu gọi lòng hảo tâm trên mạng.
Năm ngoái, Jasper bị thủy đậu với những vết mụn sưng chi chít khắp người. Chị Sarah vô tình đăng hình con lên mạng. Chị không ngờ có những kẻ đã lấy bức ảnh về, dựng lên câu chuyện thương tâm về con chị.
Hình ảnh của bé Jasper Allen lúc bị thủy đậu.
Bọn chúng nói đứa bé này bị ung thư, kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ, với với mỗi lượt like, bình luận, chia sẻ, đứa trẻ sẽ có tiền chữa trị.
Nội dung này được 1,2 triệu người chia sẻ, gần 240.000 lượt thích và 150.000 lượt bình luận.
Mục đích nhằm tạo lượt thích và xem để trang này trở thành trang phổ biến, phục vụ cho hoạt động đăng tải nội dung về sau.
Nội dung 'câu like' mà kẻ xấu lợi dụng từ hình ảnh của bé Jasper Allen.
Vợ chồng chị Sarah Allen nhận hàng chục cuộc điện thoại người thân, bạn bè hỏi thăm tình hình của Jasper.
Mỗi khi nghĩ đến việc này, chị Sarah càng thấy hối hận vì vô tình đưa con vào vòng xoáy rắc rối.
Chị Sarah Allen nói: ‘Nếu Facebook siết chặt quản lý hơn, xử lý nhanh khi có báo cáo về nội dung thì mọi việc không đi quá xa như vậy’.
Jasper Allen đang sống khỏe mạnh cùng mẹ.
"Bắt cóc" trẻ trên mạng
Chị Danica Patterson (sống ở Dallas, bang Texas, Mỹ) và con gái 4 tuổi Bryleigh chính là nạn nhân của "trò bẩn" này.
Tài khoản của Roman Figueroa.
Kẻ lạ mặt Roman Figueroa đã lấy cắp hình ảnh bé Bryleigh trên Facebook của chị Danica, đưa về trang Facebook của mình rồi giới thiệu: ‘Phiên bản nữ tính của tôi đây’.
Hắn ta còn viết lời tựa cho những bức ảnh của bé Bryleigh: ‘Con bé nhìn thế này mỗi sáng đây. Bé bảo tôi đừng chụp hình bé nữa’.
Chị Danica chỉ biết hành vi của Roman Figueroa khi một người quen chụp ảnh màn hình và đưa chị xem.
Hoảng hốt và tức giận, đó là cảm giác của người mẹ nhận ra mình đã vô tình mời kẻ gian thoải mái lấy hình của con.
Chị hoàn toàn không biết Roman Figueroa là ai.
Đây không phải là trường hợp duy nhất của trò ‘bắt cóc’ trên mạng.
Chị Lindsey Paris có con trai 18 tháng tuổi cũng bị một cô gái trẻ lấy cắp hình đứa bé đưa về trang Facebook của mình rồi khoe đây là con trai cô.
Phụ huynh cần cẩn thận cài đặt chế độ riêng tư khi đăng ảnh con mình.
Hành vi này chưa gây hại trước mắt nhưng đó là dấu hiệu cho thấy ảnh của những đứa bé ngây thơ đã xuất hiện một cách tràn lan, khó kiểm soát mà chính bản thân bố mẹ các em cũng không thể lường trước những tấm hình ấy sẽ đi đâu về đâu.