Trong khi nhiều cha mẹ có con bị xâm hại tình dục chọn cách im lặng, chị Trần Thu, trú tại chung cư Lakeside, TP Vũng Tàu, đã dũng cảm lên tiếng và kiên trì đòi công lý cho con. Lá đơn trình báo và yêu cầu xử lý hình sự được chị gửi đến Công an phường Nguyễn An Ninh vào ngày 26-6-2016. Chị tuyên bố không đồng ý hòa giải dù sau đó, ông Nguyễn Thắng, người bị chị Thu tố cáo, bày tỏ mong muốn được bỏ qua mọi chuyện.
Người mẹ dũng cảm cho biết, chị sẽ không dừng lại cho đến khi ông Thắng bị pháp luật xét xử. Chị chia sẻ, con gái chị là một bệnh nhân của hội chứng di truyền tan máu bẩm sinh, gầy gò, xanh xao nhưng rất yêu cuộc sống. Ước mơ đơn giản của cô bé là được chơi thoải mái dưới sân chung cư. Chị không mong con lớn lên kiếm được nhiều tiền, có địa vị cao trong xã hội mà chỉ mong cô bé đủ sức khỏe để làm được những việc tốt cho bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội.
Các nạn nhân bị xâm hại, lạm dụng tình dục thường gặp phải nhiều tổn thương tinh thần. Lúc này, người thân trong gia đình là chỗ dựa duy nhất cho các em. Ảnh minh họa
Trong lá đơn gửi các cơ quan chức năng, chị Thu từng ngậm ngùi viết: "Tội ác ông Thắng gây ra cho con gái bé nhỏ của tôi là vô cùng nghiêm trọng, khiến cháu hàng đêm phải đối mặt với ác mộng, một tương lai không trọn vẹn, một vết thương trong tâm hồn không bao giờ liền sẹo, khiến gia đình tôi vô cùng đau đớn. Sau khi gây ra tội ác với con gái của tôi, ông Nguyễn Thắng đã tuyên bố với gia đình tôi trước mặt bà con trong chung cư: 'Tao làm con mày đấy, mày làm gì được tao?'. Không những thế còn bàn mưu tính kế với một nhóm người thân thiết sẽ kiện tôi tội làm nhục ông ta để đẩy tôi và gia đình vào con đường lao lý".
Giờ đây, chị Thu phải cùng lúc đấu tranh với kẻ gây ra tội ác cho con, đồng thời giúp bé vượt qua ám ảnh bị xâm hại tình dục. Chị tâm sự: "Cũng như bao người mẹ khác, tôi đặt con trên tất cả mọi lợi ích của bản thân. Sau vụ việc, cảm xúc của con gái tôi trở nên vô cùng hỗn độn, từ sợ hãi rồi đến buồn phiền, giận dữ. Tôi luôn giúp con hiểu những gì đã xảy ra và cùng con đối diện với sự thật, đấu tranh để giúp con lấy lại công bằng. Từ những hành động cụ thể, con dần nhận ra tôi đang bảo vệ và che chở cho con. Từ đó, con luôn cảm thấy an toàn và được yêu thương".
Chị Thu cho biết, chị không hề hối hận vì đã dám nói ra và đối diện với sự việc đau lòng: " Tôi tuyệt đối không bao giờ giả vờ im lặng như không có gì xảy ra. Điều đó sẽ đẩy con vào trong sự sợ hãi và buộc con phải đối diện với nó một mình". Chị tâm sự, chị luôn động viên con nói ra và điều đó đã thu được nhiều kết quả tích cực, tinh thần của bé đã ổn định hơn. Dần dần, bé không còn hét lên vì ác mộng, từ những ác mộng sợ hãi những tuần đầu, tới những cơn ác mộng con giận dữ thét lên trong đêm. Giờ đây, tình cảm giữa hai mẹ con chị ngày càng khăng khít hơn. Chị xúc động kể lại: "Cứ nghe bài hát về mẹ là con lại ngồi khóc vì thương mẹ".
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em, tiến sỹ Tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên đối với các bậc cha: "Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị lạm dụng, xâm hại, cha mẹ cần lưu ý giữ lại các bằng chứng tại thời điểm đó, chẳng hạn như quần áo trẻ mặc, chụp ảnh lại các vết xước trên cơ thể trẻ, giữ lại tóc, râu, hoặc sợi vải trên quần áo của kẻ phạm tội nếu có. Tiếp theo, bố mẹ buộc phải bảo đảm sự an toàn của trẻ, tránh nguy cơ trẻ tiếp tục bị xâm hại. Cuối cùng, các bậc phụ huynh nên theo dõi kỹ càng các biểu hiện tâm lý của trẻ. Những nạn nhân bị xâm hại tình dục thường gặp phải chấn động tâm lý, khiến các bé thường xuyên gặp ác mộng, hoặc sợ hãi các âm thanh như tiếng kẹt cửa, tiếng gió...". Anh Nam nhấn mạnh, nếu có biểu hiện tương tự như vậy, cha mẹ cần đưa bé đến gặp chuyên gia tâm lý. Với mỗi loại sang chấn, các chuyên gia sẽ có những kỹ thuật điều trị riêng, giúp bé phục hồi.