Không ít người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ phải đối mặt với những thách thức, tổn thương, thậm chí stress, trầm cảm do không được thừa nhận giới tính sau khi đã come out (công khai xu hướng tính dục). Họ bị chính người thân từ chối, xa lánh, còn người ngoài thì kỳ thị. Loạt bài dài kỳ về cộng đồng LGBTIQ+ mà Chuyên mục Phụ nữ đăng tải nhằm truyền tải thông điệp: Gia đình, bạn bè, người thân là chỗ dựa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc công khai xu hướng tính dục và giúp cộng đồng LGBTIQ+ tự tin, sống hạnh phúc.
Bi kịch từ bẻ "cong" thành "thẳng"
Phụ huynh dù biết xu hướng tính dục của con nhưng vẫn cố tìm kiếm hy vọng, theo kiểu "còn nước còn tát" để mong chỉnh lại giới tính của con. Đã có người đưa con gái đi gặp thầy cúng, đi bác sĩ thần kinh, ép lấy chồng hay thờ ơ, lãnh đạm để xin được uống thuốc, bẻ cong thực tế, phổ biến nhất là ép kết hôn để thay đổi giới tính...
Nỗi đau sau khi come out
Minh (SB cứng - nữ nhưng biểu hiện là nam) sinh năm 1996, quê Tiền Giang nhiều lần rưng rưng nước mắt khi kể lại bi kịch của mình. Chồng mất sớm, người mẹ mắc bệnh viêm não mãn tính, thường xuyên co giật của Minh vẫn phải ngày ngày lang thang bán vé số, một mình nuôi Minh.
"Năm lớp 10, tôi nói với mẹ là "Mẹ ơi! Con thích con gái". Mẹ tôi buồn, lặng im không nói. Nhưng từ đó, ngày ngày đi bán vé số là mẹ tìm người mai mối, gả chồng để tôi sinh con. Có như vậy tôi sẽ không bị "pede" – Minh kể.
Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS
Rồi Minh nhanh chóng lấy chồng bởi hết chịu nổi người cha dượng bất nhân, thường xuyên sàm sỡ, quấy rối, cưỡng bức khi em mới học lớp 4. Ra khỏi nhà, em hy vọng tháo gỡ nút thắt quan trọng cho đời mình. Thế nhưng, một bi kịch mới lại bắt đầu…
Đêm tân hôn, Minh xin mẹ chồng cho ngủ cùng. Đêm thứ 2 thật sự là ác mộng. Không thể từ chối mãi, vài ba lần cam chịu phận làm vợ, biết mình có thai cũng là lúc Minh trốn về nhà mẹ đẻ ở tới lúc sinh con.
Minh từng trầm cảm, sống trong im lặng, không thích nói, không giải thích... Cho tới khi gửi con cho mẹ, Minh đi làm và công khai, chuyển đổi giới tính vào năm 20 tuổi. Minh bắt đầu có người yêu, được sống đúng với giới tính thật, trong hình hài của một người đàn ông. "Thế nhưng, những tổn thương, trầm cảm cũ khiến tôi bất ổn. Khi bị người yêu phụ bỏ, tôi đã nhiều lần tự tử. Đến nay, tôi đang sống trong nợ nần vì vay nợ, lo cho người yêu cũ đồng thời cứ yêu ai tôi lại sợ bị bỏ rơi…" – Minh nói.
Còn H.P biết mình thuộc cộng đồng LGBTIQ+ từ năm 19 tuổi nhưng chán ghét bản thân, cảm thấy tội lỗi. P. thường tự đặt câu hỏi sao lại là mình mà không là người khác khi biết mình đồng tính nữ.
"Biết giới tính thật, mình chán ghét bản thân một thì cảm thấy tội lỗi bội phần. Mình chia sẻ với cô bạn thân trong lớp đại học thì bị bạn này xa lánh, nghỉ chơi. Từ đó, mình nghĩ có lẽ mình không nên khác biệt, không nên công khai vì nếu khác biệt thì cuối cùng sẽ không có ai ở bên cạnh mình, không ai chơi với mình"- P. tâm sự.
Tiếp tục chia sẻ về giới tính của bản thân để mong được gia đình chấp nhận nhưng chính ba mẹ và anh chị của P. cũng thờ ơ. Mẹ nghe P. nói thì không chấp nhận. Dù không làm lớn chuyện nhưng mẹ vẫn muốn P. có chồng, sinh con. Hiện tại, P. dù vẫn sống, làm việc như bao người nhưng trong lòng vẫn không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
Giá trị từ "chỗ dựa xã hội"
Khác với Minh, Nga (19 tuổi) chỉ gặp trở ngại với mẹ sau khi come out vài tháng. 2 năm trước, Nga biết mình không thích đàn ông nhưng chưa biết mình thuộc xu hướng tính dục nào. Nga (FEM) gặp 1 phụ nữ đặc biệt, cần ở riêng thì mẹ biết và đuổi khỏi nhà. Nga đã đồng ý, dọn đồ ra đi. Sau 2 tháng, mẹ đã nghĩ lại và gọi Nga về rồi mẹ đã thừa nhận họ như 2 người con.
"Chúng tôi rất vui vì điều này. Thật ra lúc đó tôi nghĩ rằng chỉ cần tôi sống tốt, chăm chỉ làm việc, kiếm tiền, có hiếu với mẹ và trách nhiệm với bản thân thì mẹ sẽ thay đổi… Đó cũng là lời chia sẻ tôi muốn nói với những bạn chưa biết cách come out với ba mẹ mình" - Nga nói.
Khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) năm 2022 ước tính số người LGBTIQ+ tại Việt Nam chiếm khoảng 9% - 11% tổng dân số. Điều này cho thấy người LGBTIQ+ đã không còn xa lạ, nhưng vẫn có không ít người chưa come out thành công, cuộc sống còn nhiều áp lực.
Chị Nguyễn Hà (45 tuổi, nhà ở TP Thủ Đức, TP HCM) là doanh nhân trong ngành xuất nhập khẩu. Chồng chị quê ở miền Bắc, làm việc trong ngành dịch vụ hàng không… Nghi ngờ con trai mình đồng tính từ khi bé học hết cấp 1, qua những cử chỉ, hành động, sở thích của con khiến chị nhận ra điều đó. Tuy nhiên, là cháu đích tôn của dòng họ nên việc thừa nhận con mình sẽ "lấy chồng" thay vì lấy vợ sinh con, làm rạng danh dòng họ khiến vợ chồng chị khó nghĩ.
Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS
Từ khi chị bộc bạch giới tính của con, chồng chị hay la con khi bé có hành động hay chơi các trò nhẹ nhàng, nữ tính. Thậm chí, anh khó chịu luôn với chị. "Chồng nhắc tôi đưa con đi chơi các môn thể thao, bóng đá dù con không thích; bắt hạn chế vẽ tranh, học nhảy, múa. Dẫu biết giới tính con mình nhưng bé còn nhỏ và tôi cứ hy vọng. Chưa cho con thể hiện bản thân sớm, vẫn thường xuyên nhắc về trách nhiệm của trai là lấy vợ sinh con, nuôi bố mẹ để thử xem phản ứng của con. Nhưng những khi như vậy, tôi gần như không nhận được câu trả lời rõ ràng..." - chị Hà nói.
Sinh tới đứa thứ 4 mới được con trai, gia đình chị Phương Loan (nhà ở Cai Lậy, Tiền Giang) vui mừng vô kể. Chị cố gắng sinh thêm một đứa nữa coi có con trai cho có anh có em không nhưng vẫn là con gái. Thế là bao kỳ vọng vợ chồng chị đặt vào đứa con trai này. Thế nhưng, càng ngày chị càng thấy tính cách con giống các chị, vẫn thích mặc đầm, áo hoa, thích chơi đồ hàng và thích ra chợ rao mời khách phụ mẹ bán hàng.
"Tôi luôn hy vọng do sống chung chị em gái nên nó lây tính nữ, chờ nó lớn sẽ nam tính hơn rồi lấy vợ sinh con. Tôi cũng có đi hỏi một vài thầy bói xem giới tính con tôi thế này có thay đổi được không… Nhưng đến nay, con tôi đã hơn 20 tuổi, chắc là không còn hy vọng. Cách đây 2 năm, tôi hoảng hốt khi nó sợ tôi cấm nên cùng bạn trai bỏ lên TP HCM mấy bữa, khi về thì đổ bệnh nặng. Từ đó, tôi không còn hy vọng, không bắt con mình cưới vợ nữa. Nhưng trong thâm tâm, vợ chồng tôi vẫn thấy buồn" - chị Loan tâm sự.
Chỉ cần con hạnh phúc
Thạc sĩ- Bác sĩ (ThS.BS) Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần, Hệ thống Y tế Vinmec, cho biết rất nhiều phụ huynh đã đến gặp và khẩn cầu: "Bác sĩ có thể bẻ con tôi từ "cong" thành "thẳng" được không?". "Bác sĩ có thể cho nó uống thuốc nào để mạnh mẽ lên không?". "Bác sĩ xét nghiệm hóc môn cho nó xem, trong người có thay đổi gì không mà tự nhiên thích con trai?".
Thấu hiểu những trăn trở của các bậc cha mẹ nên ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa đã phải giải thích nhiều lần để họ hiểu, rằng điều này liên quan xu hướng tính dục. Chúng ta có khái niệm gọi là xu hướng tính dục, là một người có quyền chọn lựa hoặc có cảm giác bản thể rất tự nhiên vì mình bị thu hút bởi một người khác.
"Có người con trai thích con gái, có người con gái thích con trai và cũng có người con trai thích một người con trai khác. Nếu mình định hình mình là nam, mà thích con trai thì mình gọi là xu hướng tính dục đồng giới, nam thích nữ là dị tính. Việc nam thích nam là đồng tính hay dị tính đều không phải là bệnh. Và đương nhiên không có phương pháp chữa. Điều mà các phụ huynh cần là thấu hiểu con" - ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh.
Còn Thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi, Giảng viên Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), cho rằng để cha mẹ chấp nhận con mình thuộc cộng đồng LGBTIQ+ hay không thì cần xã hội chấp nhận LGBTIQ+ như một biến thể tự nhiên của con người, mà không kỳ thị hay đòi hỏi phải chữa trị. Hiểu được điều này sẽ giúp cha mẹ bình thường hóa việc con mình thuộc giới tính nào, khuynh hướng tính dục ra sao và ít kỳ vọng hơn về giới tính của con, chỉ còn lại việc mong con hạnh phúc với cuộc đời của mình. Do đó, thay đổi những định kiến xã hội đã hằn sâu về LGBTIQ+ là điều cần thiết, không chỉ cho hỗ trợ người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ mà còn giúp các bậc cha mẹ hiểu biết và đón nhận con.
THS.BS Nguyễn Trung Nghĩa (Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần, Hệ thống Y tế Vinmec):
Chấp nhận sự đa dạng về tính dục
Việc chúng ta thích hay không hay bị hấp dẫn điều gì đó đôi khi đến một cách tự nhiên, cũng không nhất thiết phải lý giải trong mọi trường hợp. Ví dụ, có người đàn ông thích đi xe đạp, có người đàn ông thích đi xe hơi. Cũng như có người đàn ông thích phụ nữ, nhưng cũng có người đàn ông thích người đàn ông khác. Đó là điều rất tự nhiên, rất bình thường như một sự đa dạng về xu hướng tính dục hiện nay.
Tôi hiểu một số phụ huynh lo lắng khi người thân có biểu hiện về xu hướng tính dục khác với dị tính. Tôi mong rằng phụ huynh, những người xung quanh có thể hỗ trợ tốt nhất cho con cái, cho người thân, bạn bè xung quanh của con hiểu điều này và tôn trọng, chứ không phải cố gắng tìm kiếm sự chữa lành. Đừng cố gắng bẻ cong, áp đặt con! Vì cuối cùng, hạnh phúc nhất là khi chúng ta được là chính mình.
LGBTQ+ là một từ viết tắt từ chữ đầu, thay thế cho cho Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay(đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân). Dấu cộng đại điện cho sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng như: N là Non-binary (phi nhị nguyên giới), I Intersex (liên giới tính), A Asexual (vô tính luyến ái)
LGBTQ+ thể hiện sự đa dạng của con người dựa trên xu hướng tính dục (sexual orientation), bản dạng giới (gender identity), thể hiện giới (gender expression) và thiên hướng tình dục (sexual attraction). Xu hướng tính dục có các nhóm phổ biến: dị tính luyến ái (heterosexual), đồng tính luyến ái (homosexual), song tính luyến ái (bisexual), toàn tính luyến ái (pansexual), vô tính luyến ái (asexual),... Theo bản dạng giới có thể có: nam, nữ, phi nhị nguyên giới, linh hoạt giới, vô giới,... và người có bản dạng giới trái với giới tính chỉ định (sex assigned at birth) của mình là người chuyển giới, ngược lại người người có bản dạng giới phù hợp với giới tính chỉ định là người hợp giới (cisgender).
(Còn tiếp)