Gần đây, báo chí tràn ngập những tiêu đề bài viết kiểu như: "Tâm lý ăn no làm khổ người Việt", "Ăn buffet, nhiều người Việt nhét bánh ngọt, cà phê vào túi... đem về", hay "Những mẩu chuyện người Việt đọc xong chỉ muốn độn thổ"... Đại ý đều là hết lời chê bai thói xấu cả người Việt Nam, dè bỉu người Việt Nam. Nhưng đọc xong, tôi cũng không biết người ta viết ra để chia sẻ với cộng đồng hay để người viết được chửi cho sướng cái miệng nữa.
Đa số các bài viết đều quy những thói xấu này là của "đại bộ phận" người Việt, nhưng bản thân tôi không đồng ý với cách vơ đũa cả nắm và trỏ ngón tay chỉ thẳng vào đám đông như thế. Đó là một cái nhìn rất thiển cận, nông cạn và không công bằng với chính con người có cùng nguồn gốc với mình.
Nói đơn giản, như cái chuyện ăn buffet, cả đời tôi đi ăn buffet chưa bao giờ gặp người Việt nào như miêu tả của một bài báo: "Họ lấy bánh ngọt và những gói cà phê, gói trà chanh... mang về bỏ vào túi để dành." Từ khi còn bé, lúc được đi du lịch ra các nước bạn, lúc được ăn buffet ở các khách sạn, tôi luôn được người lớn nhắc nhở rằng: "Buffet là ăn bao nhiêu, lấy bấy nhiêu thôi. Không được bỏ thừa, bỏ phí". Tôi không nghĩ rằng tới hiện giờ, khi đất nước đang phát triển và những thứ văn hóa ngoại quốc bắt đầu len lỏi xâm nhập vào đời sống người Việt Nam đã được một thời gian chẳng ngắn cho lắm, "đại bộ phận người Việt Nam" vẫn không biết thế nào là ăn buffet như nhiều vị nhà báo quý hóa tri thức miêu tả. Đây là một giả thiết rất vô lí và vô duyên, một cái nhìn nông cạn và chẳng có cái dẫn chứng gì đủ thuyết phục.
Nói chuyện buffet mới thấy nhớ tới cả tấm ảnh chụp bảng thông báo ghi ở một khách sạn Thái Lan như dưới đây khiến bao người Việt Nam tự cảm thấy "xấu hổ".
Riêng bản thân tôi, nếu tôi nghỉ tại khách sạn nơi đăng biển thông báo này, tôi sẽ đòi gặp bằng được quản lý và yêu cầu dỡ bảng thông báo này xuống. Nếu quá đáng, tôi sẽ đòi kiện hẳn hoi đấy. Đây là cách thông báo vô duyên nhất, kém lịch sự nhất, thiếu tôn trọng nhất và không thể xuất hiện tại một khách sạn văn minh, hiện đại được. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ thay cho những người Việt Nam khi đọc bảng thông báo này mà chỉ biết đứng nhìn rồi quay sang chỉ trích những người đồng hương với mình. Ở những khách sạn văn minh, lịch sự và cao cấp, họ có quy định cho khách, nhưng nhân viên cũng hoàn toàn có trách nhiệm phải thông báo một cách lịch sự, thông báo riêng, nhắc nhở riêng nếu khách hàng có làm gì trái quy định. Họ phải tôn trọng toàn bộ khách, cho dù họ có xuất thân từ tầng lớp nào, tới từ quốc gia nào, có thói hư tật xấu thế nào đi chăng nữa. Kiểu thông báo viết tay dọa phạt này chỉ xuất hiện ở những nơi chợ búa, những cửa hàng nhỏ mà thôi.
Nhiều vị cứ biết viết cho sướng cái mồm, tự chỉ tay và nói về thói xấu của cả dân tộc mình theo kiểu vơ đũa cả nắm chỉ để tự cảm thấy bản thân mình tốt đẹp hơn người khác một tý. Nếu chỉ từ cái nhìn của một hoàn cảnh, của vài cá nhân mà có thể đúc kết ra kết luận về cả một dân tộc như vậy, thì tôi cũng có thể đưa cho bạn vài kết luận kiểu như: vì hôm qua lúc tôi ngồi trong thư viện cứ có hai đứa sinh viên da trắng khác ngồi nói chuyện ngang nhiên cười hi hi ha ha trong khi thư viện thì phải được giữ yên lặng, vì thế nên tôi thấy người phương Tây khá vô duyên và vô ý thức; hoặc là người Ấn Độ khá mất dạy và lưu manh, vì tháng trước, bạn tôi bị hai tên cướp Ấn Độ lấy mất hết ví tiền và điện thoại trên một con đường ở Thủ đô Anh Quốc; hoặc là người Trung Quốc học rất dốt, vì mấy đứa bạn Trung Quốc cùng lớp tôi học kém lắm...
Ở đâu cũng có người tốt, người xấu cả. Thói xấu không phải của chung ai, mà là của mỗi người và mỗi bản thân. Nhiều người có chung một thói xấu không có nghĩa là nhiều người khác cũng phải có thói xấu ấy. Dân mình nghèo, khổ và chưa được tiếp xúc nhiều với các thứ văn hóa cao cấp nên đôi lúc có cái ngỡ ngàng, có cái sai, nhưng điều đó nên là động lực để văn hóa con người phát triển, đối mặt với những thứ xấu và sửa lại chúng, chứ không phải là động lực cho vài cá nhân được thẳng tay cầm bút viết rồi chỉ trỏ người Việt Nam kiểu abc xyz cho thỏa cái miệng.
Đúng là tôi đang tự vỗ ngực bênh "người Việt Nam", bạn có thể nói tôi cố chấp, cứng đầu và không biết đối mặt thẳng vào sự thật mà chỉ biết mang "tự hào dân tộc" ra bào chữa. Nhưng với những gì đã trải qua, tôi không tin đại bộ phận người Việt Nam lại có đủ các thể loại tính xấu như vậy. Cứ chọn một cái đũa mốc rồi vơ cả nắm thì chẳng công bằng cho những người lịch sự, có học thức chút nào. Đất nước còn đang phát triển, thời gian là điều cần thiết để những cái xấu bị đầy lùi. Thà mất thời gian, còn hơn nhìn thấy cái xấu mà tránh, mà xấu hổ để chẳng bao giờ có thể tiến được bước nào.
Điều quan trọng là, ở đâu cũng có người tốt người xấu, ai cũng có thói quen tốt và thói quen xấu cả. Đừng chỉ nghĩ rằng người Việt Nam mình thiếu văn minh, không lịch sự bởi ở bất cứ quốc gia nào cũng đều có đủ những kiểu người tốt, xấu.