Dựa vào người khác chính là mình trông cậy vào bên ngoài. Cậy bên ngoài thì hên xui dữ lắm, đôi khi "đuổi voi cửa trước, rước hổ cửa sau" không chừng. Theo đó, khi mình nhờ một người thứ ba "đuổi" cái buồn, cái không may của mình đi thì biết đâu đó lại là nguyên nhân, là đối tượng làm mình buồn-đau hơn.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Khi mình uống thuốc tây, thuốc ta để trị bệnh, nếu thuốc đó là sự vay mượn các độc tố để trị con virus, vi khuẩn trong mình thì có thể mình hết bệnh này nhưng sẽ sanh ra bệnh khác. Có người mượn thầy pháp để trừ tà ma, nhưng có khi tà ma đi rồi thì lại bị chính thầy pháp hại, còn nguy kịch hơn tà ma bám lấy.
Đôi khi chúng ta thất tình vì không yêu được ai đó hay bị ai đó phản bội, thay lòng, mình bèn kiếm người lấp khoảng trống một cách vội vàng, trong khi vết thương vẫn còn đau nhói thì bụng dạ nào để yêu thương, chỉ càng làm cho vết thương thêm lớn. Tôi nghĩ thế nên thi thoảng vẫn chia sẻ với một vài bạn trẻ hơn mình rằng, đừng có vội yêu khi mình chưa sẵn sàng đón nhận đau-thương (có thể có) và nhất là khi đau thương của mình chưa lành hẳn, bản thân mình còn vụng về trong chuyện yêu.
Rồi lại nói, yêu thì khổ đó nghe. Câu nói vui "không yêu thì lỗ, yêu thì khổ..." của người thế gian nghe vậy không phải để cười mà để nhắc mình chuẩn bị kỹ, cho mình có thật nhiều kỹ năng, vốn liếng trên hành trình yêu đương vốn không phải là bằng phẳng với tất cả mọi người. Nếu vội yêu theo kiểu phong trào hoặc lấp khoảng trống cô đơn thì khổ đau tất yếu phải chịu, đừng than trời, vì than trời không giải quyết được, còn khổ hơn.
Nhìn thẳng vào thực tại, yếu kém của tự thân, sai sót của chính mình trong những mối quan hệ để hoàn thiện, đó là cách thông minh và thực sự từ bi với chính mình, với người. Vì khi ấy ta sẽ sống tốt hơn, cho người và tất nhiên từ đó nhận được bình yên từ người.
Nhiều bạn cứ dựa dẫm, mong chờ ở người khác, từ vật chất tới tinh thần thì sớm muộn gì cũng lâm vào cảnh bế tắc, bởi vì bản thân mình không tự chủ được, giống như gà công nghiệp hay cá nuôi, nếu thả vào tự nhiên chắc chắn nguy hiểm, vì không tự kiếm ăn được. Do vậy, có đôi bạn con nhà khá giả mà ba má cưng quá có khi lại là một thiệt thòi lớn, khó bù đắp khi vào đời. Tất nhiên, giàu có và được thương không phải là nguyên nhơn duy nhất, là cái tội đưa tới sự yếu đuối.
Đừng dựa vào ai hết, kể cả người thân thương nhất. Vì sao vậy? Vì có thể một mai, theo quy luật vô thường, họ sẽ rời xa ta, thì cái chuyện sanh ly tử biệt ấy khiến ta đau lòng vì mất mát họ chỉ một, ngoài ra ta sẽ đau lòng gấp bội hơn vì mất đi một chỗ dựa ấm áp lâu nay. Ta sẽ bơ vơ, lạc lỏng và chết yểu trong vòng tay cuộc đời vốn nhiều cạm bẫy thương đau và cả cám dỗ ngọt ngào.
Dựa dẫm còn đưa tới cho ta sự ỷ lại để rồi không chịu học, không thèm làm và cũng chẳng bao giờ dám dấn thân thì ta sẽ nghèo nàn theo chiều ngược lại của sự bảo bọc, dựa dẫm. Khi đó, ta đâu khác gì cái cây trong chậu, tuy đẹp nhưng vài ngày thiếu nước thì sẽ héo hon, mòn rũ.
Đó còn là, đôi khi người khác sẽ gánh thêm mình trên đôi vai nặng oằn của họ, thì mình cũng xem như đang xài đi một phần và cạn dần phước đức bản thân. Đừng quên, lao động là vinh quang. Tỉ phú các nước Âu-Mỹ đa số dạy con biết đứng vững trên hai chân, không bao giờ trao cho con cái "con cá" mà luôn trao "cái cần câu".
Trong chuyện từ thiện cũng như thế, nếu mình trao không khéo món quà thì có khi lại khiến cho nhiều người dựa dẫm, ỷ lại, hổng thèm đi làm ăn chi hết, để được cứu tế, trợ giúp. Rất nguy hiểm, vì như thế không những không cứu được họ mà còn hại họ thêm!
Tóm lại, chuyện to, chuyện nhỏ gì cũng vậy, cố gắng tự lực được chừng nào thì khỏe chừng đó, thì sẽ lợi mình lợi người chừng ấy. Nhớ điều này thật sâu sắc, dù biết, trong cuộc sống đôi khi ta và người phải nương nhau mà sống, cần tựa vào nhau theo nghĩa đồng hành tiến bước, để tốt hơn, vững chãi hơn...