Anh lìa bỏ cõi đời khi đã ngoài 60 tuổi. Chắc hẳn mọi người không khỏi bày tỏ sự tiếc thương cho anh, một người đàn ông của gia đình suốt mấy chục năm, dẫu thời gian qua vẫn biết anh có thể ra đi bất cứ lúc nào. Thương tiếc anh, dĩ nhiên rồi. Xin thắp một nén nhang mong sao anh thanh thản ra đi khi hoàn thành cuộc đời trần thế!
Tuy vậy, tôi cảm thấy vui khi nghe vợ anh kể lại: "Anh ấy là người chồng rất tốt. Một người cha mẫu mực". Chị còn nói, anh luôn bảo: "Em là bà tiên" khi chị hỏi chị có làm gì cho anh buồn không.
Chia tay với người đã khuất, tôi có suy nghĩ nên dành niềm thương cảm nhiều hơn cho những người anh bỏ lại trần đời này - vợ, con và cả cháu anh nữa. Người chết đâu còn biết gì, cảm nhận gì, chỉ những người ở lại mới bị nỗi buồn chia xa xâu xé cõi lòng đến tận cùng. Khoảng trống vắng và cảm giác buồn tê tái anh để lại, biết bao giờ mới được thời gian xoa dịu và chữa lành vết thương đây!
Khi một người thân yêu từ giã cuộc đời, bao trùm lên tất cả là nỗi buồn không thể diễn tả, tất nhiên là như thế. Tuy nhiên, liệu người ở lại có gì phải day dứt hay không do trong cuộc sống trước đó họ đã từng làm tổn thương người thân cách này hay cách khác?
Thế rồi, tôi chợt nhớ có lời bài hát rằng "Nếu chỉ còn một ngày để sống"... Nếu như biết ngày mai tôi sẽ không còn sống trên đời nữa, tôi sẽ làm gì nhỉ? Hoặc nếu tôi biết ngày mai người thân tôi sẽ đi xa… Chỉ với 24 giờ ngắn ngủi ấy, làm sao tôi có thể làm hòa và thậm chí chào từ biệt mọi người thân quen? Với khoảng thời gian ấy, chỉ ngồi tiếc nuối quá khứ và ước mơ thôi cũng chẳng thể nào đủ.
Thế nhưng, chẳng lẽ ta đợi đến lúc ấy mới nuối tiếc về quãng đời của ta với những thiếu sót và sai lầm sao? Nhất là trong thực tế, chẳng ai biết bao giờ mình sẽ lìa bỏ chốn này mãi mãi vì giờ chết luôn là ẩn số của cuộc đời chúng ta mà chỉ những người còn sống mới tận mắt chứng kiến, thay cho ta.
Khi sống, có lẽ mọi người đều nghĩ đến những chuyện lớn lao, to tát và dường như bỏ quên những chuyện tưởng chừng nhỏ bé chung quanh mình và không hề để ý đến những con người gần gũi, thậm chí sát cạnh mình. Niềm vui và hạnh phúc đâu chỉ ở cơm ngon, áo đẹp mà còn là ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thiết, lời nói tử tế... Hãy làm lại đi, sửa sai ngay đi – tôi nhủ thầm. Không bao giờ là quá muộn. Hơn nữa, muộn còn hơn không bao giờ.
Lý luận là vậy đó nhưng chẳng biết tôi có thể thực hiện được như những điều tôi suy ngẫm.