Vợ tôi, công tâm mà nói, thì đó là một người phụ nữ tốt. Cô ấy luôn có ý thức vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình. Nhưng hôn nhân vốn là câu chuyện của hai người, nhưng hạnh phúc lại là chuyện phụ thuộc vào rất nhiều những mối quan hệ xung quanh và những áp lực cuộc sống.
Công việc kinh dinh doanh trong thời gian dịch COVID-19 của tôi gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần về nhà tôi chỉ mong gặp nụ cười của vợ hay một khung cảnh dễ chịu ấm áp. Nhưng không, tôi luôn gặp cảnh nhà cửa bề bộn với những món đồ bọn trẻ bày ra. Khuôn mặt vợ cau có. Có khi bếp núc lạnh tanh và vợ vẫn ngồi miệt mài trước màn hình máy tính.
Thú thực không phải bây giờ, mà lâu nay tôi đã thấy rõ sự lạc nhịp, những khó khăn mệt mỏi tôi không thể chia sẻ cùng vợ được như trước. Không biết từ bao giờ, hết giờ làm tôi không còn tâm trạng hào hứng để trở về nhà. Tổ ấm nguội lạnh, hôn nhân nhạt nhẽo trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Hai đứa nhỏ nhà tôi vì lẽ đó cũng gánh chịu những quạu cọ của người lớn.
Chúng tôi không còn muốn giao tiếp với nhau nữa (Hình minh họa)
Sau tết, ba tôi từ quê đưa đứa hai đứa nhỏ nhà tôi về lại thành phố để chúng đi học trực tiếp trở lại. Bằng linh cảm, ông nhận ngay ra vấn đề của con trai và con dâu, dù khi ba hỏi tôi nói "vợ chồng con ổn".
Ba thở dài: "Dịch bệnh đã khổ rồi, các con sống như vậy mệt biết bao nhiêu". Tôi nghe ba nói mà như có vết cứa ngang trong lòng.
Cả thanh xuân vợ chồng tôi đã từng nói những câu chuyện vẩn vơ mãi không chán, ở bên nhau bao nhiêu vẫn thấy còn chưa đủ. Những khoảng xa cách chỉ làm tăng thêm thương nhớ, thậm chí chỉ cần nghe tiếng của nhau thôi trái tim đã rộn rã liên hồi. Vậy mà mới 10 năm hôn nhân, qua một khoảng thời gian khó khăn tài chính, tôi và vợ đã bị đẩy ra hai phía xa nhau.
"Ba nghĩ, con có thành công ở ngoài mà ở nhà con không chia sẻ được với bạn đời, thì đó là một sự thất bại. Phụ nữ đôi khi có vẻ khó ở vậy chứ, nhưng họ luôn cần chồng quan tâm, chia sẻ. Mỗi ngày mười phút thôi, con thử lắng nghe và chia sẻ với vợ xem nào", tiếng ba tôi vẫn nhỏ nhỏ bên tai.
Tôi nghĩ về lời ba. Lâu rồi mỗi khi về nhà, vợ nói gì tôi thường gạt đi. Chủ yếu cô ấy phàn nàn chuyện nọ, chuyện kia. Tôi thì mệt muốn được nghỉ ngơi, nên muốn cô ấy im thì chỉ còn cách tôi lớn giọng để át đi. Có khi nào đó chính là nguyên nhân khiến chúng tôi trở nên lạnh nhạt với nhau.
Ngày đầu tiên, thực hiện nguyên tắc 10 phút mà ba khuyên. Tôi, dù rất mệt cũng nở một nụ cười: "Ba về rồi đây. Ba phụ mẹ nấu cơm nha?". Vợ nhìn tôi ngạc nhiên. Cô ấy im lặng xoay lưng đi, nhưng tôi vẫn quyết tâm vào bếp với vợ.
Hôm sau, tôi dọn chén bát, hỏi han bọn trẻ chuyện trong ngày, thêm một vài câu liên quan đến công việc của vợ. Tôi thấy vợ có vẻ bất ngờ .
Những ngày sau nữa, khi cô ấy không nói thì tôi hỏi. Chủ động gợi lại những chuyện nho nhỏ mà lâu rồi chúng tôi đã bỏ quên. Khi bí quá thì tôi khơi lại kí ức tươi đẹp: ngày yêu nhau, ngày vợ mang thai, ngày hai đứa nhỏ chào đời… Vợ ban đầu ơ hờ, trả lời cho có lệ, rồi sau đó bắt đầu cởi mở hơn trong việc chia sẻ với chồng.
Cô ấy bắt đầu thay trạng thái yên lặng bằng việc trò truyện về tình hình của các các con, của gia đình, những lo lắng công việc trong những ngày dịch… Tôi lắng nghe rồi đưa ra những nhận xét, hoặc lời khuyên mà mình thấy hợp lí. Qua nửa tháng, không khí gia đình tôi đã khá hẳn lên.
Ba tôi nói tôi nên dành 10 phút mỗi ngày để chăm sóc hôn nhân... (Hình minh họa)
10 phút, ba tôi chỉ khuyên như vậy. Nhưng tôi nhận ra khi đã nhập cuộc thì 10phút dường như là chưa đủ. Một gia đình trong một ngày, với những đối nội đối ngoại, những tâm tư bất chợt, thì 10 phút sẽ là thiếu để chia sẻ và lắng nghe nhau.
Tôi chợt nhận ra mình vô lý. Nếu tôi mệt mỏi sau một ngày mưu sinh vất vả, thì vợ tôi với sức vóc đàn bà, cô ấy cũng đã dốc cạn năng lượng cho một ngày. Tôi muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi, đương nhiên cô ấy cũng vậy. Tôi muốn nghe những lời dịu dàng thì cô ấy cũng cần những lời trân trọng yêu thương. Khi tôi lớn giọng, hẳn vợ tôi sẽ tổn thương. Khi bạn đời không biết lắng nghe, cô ấy chọn sự im lặng, im luôn, im mãi...
10 phút lắng nghe nhau, chân lý đơn giản nhờ ba nhắc đã giúp tôi kết nối lại với gia đình, với người bạn đời. 10 phút, có nhiều nhặn gì đâu, sao bây giờ tôi mới biết!