Tôi và cha tôi hợp nhau nhiều điểm, từ sở thích trang trí nhà cửa, ăn uống cho đến chuyện đối nhân xử thế. Nhưng quan niệm sống và phấn đấu, quan điểm với tiền bạc và hạnh phúc thì khác biệt.
Hôm tết, tôi bảo nếu có tiền sẽ xây lại nhà to, hiện đại hơn, trồng một vườn hoa xung quanh thật đẹp. Nhưng cha tôi bảo nhà bao nhiêu đây đã đủ ở, cũng chẳng cần tiện nghi hơn. Tôi im lặng, vì biết nếu có nói thêm nữa câu chuyện sẽ không đi đến đâu.
Ảnh minh họa
Tôi và cha đang đứng ở hai bờ của hạnh phúc được định nghĩa theo cách của mỗi người. Cha chọn hài lòng với những gì đang có, tôi thì luôn muốn có nhiều hơn.
Cha, sau mấy mươi năm lăn lộn, chỉ cần mỗi tháng đôi ba triệu đồng để chi xài, góp nhặt từ mấy luống rau xanh mướt ngoài vườn. Mùa nhãn, được vài mươi triệu thì lại tiết kiệm dành dụm. Cuộc sống ở quê không quá nhiều áp lực, vật giá cũng vừa tầm. Cũng vì thế cách ông tìm bình yên, hạnh phúc một cách nhẹ nhàng.
Nhưng có thể trong chính sự bình yên quen thuộc đó, cha tôi quên đi rằng Sài Gòn là thế giới hoàn toàn khác. Nơi đây, nhất cử nhất động đều phải có tiền, hoặc nhiều tiền.
So với nhiều bạn bè đồng trang lứa, thu nhập của tôi không thấp. Nhưng, tôi luôn muốn có nhiều hơn. Gọi đây là tham vọng, không sai, nhưng đáng được chấp nhận. Ai không muốn đời mình tốt hơn, theo một cách, một lựa chọn nào đó, dĩ nhiên không phạm pháp.
Vì thế, cứ mỗi khi nhắc đến tiền bạc bao nhiêu là đủ, tôi luôn phải tìm cách để cắt đứt câu chuyện với cha.
Sự xung đột này không chỉ diễn ra với tôi. Trong khi cha mẹ một chị đồng nghiệp của tôi kỳ vọng con cái sẽ làm quan to chức lớn, thu nhập khủng, thì điều chị hướng đến chỉ là làm việc để vui vẻ, nhẹ nhàng, bình yên. Cũng vì thế, chị chấp nhận bỏ một công việc với đồng lương tốt hơn, nhiều cơ hội hơn để về làm một công việc làng nhàng. Đó cũng là điều chị dạy con mình, làm gì phải để bản thân vui nhất, hạnh phúc nhất.
Ngay trong thế hệ trẻ của chúng tôi cũng có sự phân luồng rõ rệt. Nếu như tôi và nhiều người khác đang cố sức kiếm tiền thì một nhánh khác lại đang bỏ phố về quê để sống gần với thiên nhiên, hoặc chỉ cần làm đủ để thấy bản thân thoải mái, tận hưởng cuộc sống, công việc.
Thước đo hạnh phúc của họ là cơm ngày 3 bữa, mặc lành lặn, có thêm một ít đủ tiêu xài, phòng hờ, nhưng với chúng tôi lại là những bữa ăn ngon, những món đồ đẹp (sau này còn được cộng thêm hai chữ đắt tiền), hay những căn nhà khang trang, hiện đại. Mỗi người một lựa chọn, và đều có cái giá của lựa chọn đó.
Ảnh minh họa
Bao nhiêu tiền đủ để hạnh phúc? Tôi từng nghĩ đến năm 40 tuổi, khi có một căn nhà tại Sài Gòn, một chiếc ô tô và tài khoản khoảng 2 tỷ đồng sẽ trở về quê để sống cùng gia đình. Đó là khi tôi cảm thấy đủ.
Nhưng Ngọc, bạn thân của tôi lại chắc nịch rằng, nếu giấc mơ đó thành sự thật, thì với bản tính của tôi, "công cuộc kiếm tiền" sẽ không dừng lại. Ước mơ hai đứa cùng trở về quê năm 40 tuổi, có thể sẽ dở dang. Sáng nay, câu chuyện được Ngọc nhắc lại. Ngọc hỏi tôi: "Tụi mình còn thời gian để chờ tài sản tăng lên, nhưng cha mẹ mình có chờ được không?".
Tôi giật mình. Liệu đó có phải là một trong những lý do bao lâu nay cha tôi vẫn thường cố tạo nên một định nghĩa nào đó thật khác về tiền, hạnh phúc trong tôi. Có đôi lần về quê, tôi cắm đầu vào máy tính chỉ với suy nghĩ cố thêm chút nữa sẽ có thêm tiền. Ở căn phòng khác, cha tôi vẫn trằn trọc không vào giấc được. Có những khi chỉ vì "một chút nữa con mới xong việc", những bữa cơm gia đình, những cuộc nói chuyện tâm tình dở dang.
Tôi không nghĩ mình sai khi cố "cày" để có được tiền, có những thứ tôi ao ước. Bởi khi sở hữu được chúng, tôi mới thấy mình vui, hạnh phúc. Nhưng một lần nghĩ chậm lại, tôi thấy hạnh phúc cá nhân vùi lấp đi một niềm hạnh phúc của người thân thì quả là hẹp hòi.
Rồi sẽ có một ngày, tôi sẽ chấp nhận cuộc sống bình yên, giản dị như cha tôi hiện tại, khi đã vùng vẫy thỏa thích với cuộc đời. Còn hiện tại, tài khoản tôi chưa có được con số như mơ ước, tôi chỉ mong tôi và cha hiểu tâm tình của nhau để thoải mái chia sẻ mỗi khi ai đó cắc cớ hỏi: "Bao nhiêu tiền thì đủ để hạnh phúc?".