Hai vợ chồng đều tuổi Tân Dậu (1981) nên nhiều khi đùa nhau rằng "hai con gà cùng bươi thì chẳng bao giờ sợ đói khổ". Lấy nhau, chị Võ Thị Liễu và anh Đặng Văn Triều mơ có căn nhà nhỏ, nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn.
Sau ngày cưới tám năm, họ có hai con trai và một căn nhà tại thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Một năm sau, trong lần đi làm về, xe bị lật, anh gãy cánh tay trái, trở thành "phế nhân". Anh nằm một chỗ hai năm liền, lở loét vùng mông. Anh nói: "Thương vợ quá! Vết lở nhìn thấu xương, vậy mà ngày nào vợ cũng phải rửa ráy, băng bó". Vất vả, dơ bẩn không là gì đối với chị Liễu, chị chỉ mong anh sống với ba mẹ con.
Anh Triều chỉ có thể lượm thóc trong gạo giúp vợ
Nghe nói có bệnh viện trong TP.HCM chữa trị tốt hơn, chị chạy vạy vay mượn được 26 triệu đồng đưa chồng nhập viện.
Khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men, ăn chực nằm chờ, hết số tiền mượn, bệnh vẫn không giảm, chị ngậm ngùi đưa chồng về quê. Lại tốn thêm rất nhiều tiền, ruộng nương, thóc lúa, heo bò chị cũng bán hết, hy vọng vào phương pháp châm cứu phục hồi chức năng.
Hai năm sau anh ngồi dậy được, nhưng chỉ ngồi trên xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vợ hoặc mẹ phụ giúp. Nhiều khi anh thốt lên: "Đàn ông gì đến đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh cũng phải nhờ vợ. Thôi cắn lưỡi chết cho rồi!".
Những năm đầu quẫn trí, anh luôn nghĩ đến cái chết. Chị phải nhờ bạn bè, anh em thân thiết tới thăm hỏi, động viên chồng đừng bi quan.
Đã 12 năm qua, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng anh chỉ ngồi trên xe mà không thể điều khiển cho xe di chuyển.
Hai cánh tay anh teo tóp, không thể bám vào bánh xe. Anh chỉ làm được một việc trong mỗi bữa ăn là nhờ vợ lấy dây thun cột chiếc muỗng vào hai ngón tay, rồi lẩy bẩy tự đút ăn, muỗng vào miệng, muỗng rớt ra ngoài.
Từ ngày chồng bị nạn, chị Liễu xắn tay áo chèo chống gia đình. Từ tinh mơ chị dậy lo bữa sáng cho chồng, rồi cho heo, gà ăn, cắt cỏ cho bò… Sau đó là đủ thứ việc như cắt lúa, nhổ đậu, rẫy cỏ, ai thuê việc gì chị làm việc nấy, với thu nhập khoảng 150.000 đồng một ngày.
Buổi chiều về, chị bế chồng mang đi tắm rửa. Bế bồng một người bị liệt thật khó, vì hai tay anh buông thõng, không thể bám vào cổ vợ. Những lúc cho anh đi vệ sinh càng khó hơn.
Hai cậu con trai, cùng bỏ học khi mới lớp Bảy, đi giúp việc nhà kiếm tiền phụ mẹ. Nay, một đứa đi bộ đội, một đứa đi làm xa, không phụ mẹ chăm sóc ba được nữa. Mẹ chồng chị năm nay 80 tuổi, cũng đau ốm liên miên.
Những ngày còn khỏe, bà chạy qua chạy lại chăm sóc con trai cho con dâu đi làm, nhưng lúc bà đau bệnh nằm viện, chị phải trực nuôi mẹ, nhờ hàng xóm qua nhà cơm nước cho chồng.
Biết anh ở nhà một mình quanh năm cũng buồn, chị sắm cho chồng chiếc smartphone, dạy anh cách lập Facebook, Zalo… để giao lưu với bạn bè ở xa. "Thương ảnh lắm, tối ngày thui thủi một mình. Tôi che cho ảnh cái lều ngoài sân, ngồi nhìn trời mây cho thoáng", chị nói.
Chị Liễu chăm sóc chồng trước khi đi làm
Cứ vài ngày, chị lại đẩy xe lăn đưa anh đi chơi một vòng quanh xóm, qua thăm ông bà ngoại. Nhìn dáng vóc gầy yếu của chị gò lưng đẩy chiếc xe lọc cọc trên đoạn đường quê gập ghềnh, lên xuống mấy chiếc cầu xi măng nhỏ bắc qua mương nước, ai cũng thương: "Cô Liễu cực khổ quá! Lấy chồng từ năm 19 tuổi, 28 tuổi đã oằn mình vì gánh nặng gia đình"…
Thương thân mình thì ít, chị Liễu thương chồng nhiều hơn khi anh cam chịu ngồi một chỗ suốt những năm tuổi trẻ đầy ước vọng.
Vừa rồi, chị không tiếc 400.000 đồng mua cho chồng một con chim sáo vừa mới nở. Anh vui vẻ hẳn lên, nuôi chim, chăm sóc, kiên trì dạy sáo biết nói. Những lúc ở nhà một mình, anh ngồi hàng giờ trước lồng chim, nói chuyện với nó. Trước những lời tâm sự về số phận của chủ, con sáo chỉ biết nói: "Triều ơi! Nhà có khách. Nhà có khách!".
Sau nhiều năm lao động cực nhọc, hiện chị cũng mắc bệnh thoái hóa cột sống, ngày làm ngày nghỉ. Quần quật với công việc bất kể ngày đêm, mưa nắng, chị quên mất bản thân đang già đi trước tuổi, nhưng bao gian khó không làm người vợ ngã quỵ. "Tôi vẫn còn sức lao động. Miễn là thấy chồng lạc quan, yêu đời là mình hạnh phúc", chị tâm sự.