Con trai chị 30 tuổi. Bấy lâu cả nhà cứ hối thúc chuyện có bạn gái, con chỉ cười cười không nói. Gần đây, con thông báo cuối tuần sẽ đưa bạn gái về ra mắt.
Chồng chị cười tủm tỉm, vui ra mặt. Chị đập vai con một phát: "Sao tới giờ mới nói với mẹ". Chị dụ mãi con mới cho xem hình bạn gái. Bé Mi - tên cô gái - có vẻ mặt dễ thương, hiền lành. Bé út trêu: "Chị Hai vầy là em ăn hiếp được nè".
Ảnh minh họa
Cả nhà chị háo hức bàn bạc nấu món gì để đãi con dâu tương lai thì em chồng điện, báo má chồng chị nằm viện. Cả nhà chị hủy hẹn, về quê thăm bà. Hai ngày sau bà mất. Thu xếp mọi việc xong xuôi thì TPHCM bùng dịch. Việc ra mắt của bé Mi đành hoãn vô thời hạn.
Những ngày giãn cách xã hội, con trai chị mỗi tuần vẫn đi làm ba ngày. Điều chị lo lắng cuối cùng đến, con chị thành F1, phải cách ly tại nhà. Mỗi ngày, lo việc chăm sóc con khiến chị bất an. Ly tách, quần áo, rác thải của con phải khử khuẩn. Thức ăn phải nấu riêng. Nhà vệ sinh thì ngày nào cũng phải xịt khuẩn mấy lượt. Mỗi ngày, chị hồi hộp lắng nghe từng hơi thở của con. May, con không bị gì, còn động viên chị: "Mẹ đừng lo, con mạnh cùi cụi nè". Ngày nào cũng nghe Mi gọi tới, líu lo gì đó. Nhìn con rạng rỡ, chị thấy yên lòng.
Bữa, con rụt rè bảo rằng Mi ở phòng trọ chung với chủ nhà. Từ đầu đã quy định không được nấu ăn trong phòng. Mi ăn mì tới nay đã ớn lắm rồi, mẹ có cách gì không? Chị chưng hửng. Sao có thể ăn mì chừng ấy ngày. Nghĩ mà thương con bé. Chị vội đi nấu cơm nóng, làm thật nhiều đồ ăn, rồi gọi shipper gửi qua cho Mi. Lát sau, con bé gọi tới, giọng rụt rè: "Con cảm ơn bác". Chị nghe lại thương thêm chút nữa.
Chị mua giò chả, cá hộp, bánh ngọt, trái cây, cả băng vệ sinh… gửi qua cho Mi. Nhìn chị loay hoay đóng gói đồ đạc, bé út trêu: "Chu choa, chưa gì mẹ chồng đã "có hiếu" với con dâu". Chị cốc đầu con, chỉ mong sau này con gái đi làm dâu cũng được nhà chồng thương y vậy.
Chị bàn với chồng đón bé Mi về ở cùng, chăm sóc nó qua mùa dịch. Con dâu tương lai thì mình phải lo. Nói dại, lỡ sau này không là con dâu cũng không sao, coi như giúp người.
Đùng cái, khu phố Mi ở bị phong tỏa. Hai ngày sau chỗ chị cũng bị giăng dây. Việc gửi cơm cho Mi lúc được lúc không. Chuyện rước Mi về nhà càng không thể. Con bé động viên chị: "Bác đừng lo. Cháo, hủ tiếu, phở, giò chả bác gửi còn nhiều lắm, con tự xoay xở được".
Rồi bữa, shipper gọi cửa, giao hai thùng thực phẩm to bự. Có đủ thịt heo, gà, giò chả, cá biển, rau củ… Địa chỉ người gửi tận miền Trung, với cái tên lạ hoắc. Nhưng tên người nhận là chị, đúng luôn số điện thoại. Chị chưa kịp gọi hỏi thì Mi gọi tới, nói: "Ba mẹ con gửi hai bác ít quà. Cảm ơn hai bác bấy lâu chăm sóc con".
Chị rưng rưng. Mình giúp nó được gì đâu mà ba mẹ nó giúp lại quá chừng nhiều. Mớ đồ ăn này nhà chị ăn cả tháng chưa hết. Sui gia, dâu con chưa gặp mặt, tình thương đã đi trước một bước.
Giờ chị chỉ mong mau mau hết dịch để nhà chị báo tin vui cho họ hàng, rộn ràng rước con dâu về nhà.