Cúc cùng thành quả là những bao đầy rác sau một buổi nhặt rác tại Vũng Tàu - Ảnh: V.T.
Thông tin Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới trong việc xả rác ra biển được một báo đăng tải khiến tôi giật mình. Nghĩ mình còn trẻ, phải làm ngay điều gì đó và cũng lấy đó là lý do quyết không bỏ cuộc.
GIANG THỊ KIM CÚC
Cũng bởi vì "hễ thấy rác lại đứng ngồi không yên", nên cô mới được mọi người gọi với cái tên thân mật là... Cúc "rác".
Nhặt rác không phải phong trào
Nghề chính là kinh doanh, nhưng những "bộ cánh" lộng lẫy chưa bao giờ là lựa chọn của Cúc mỗi dịp cuối tuần. Trong mắt mọi người, Cúc "rác" luôn gắn liền với hình ảnh chân mang ủng, tay trái cầm bao gai, tay phải cầm chiếc kẹp gắp, nhặt nhạnh từng mảnh rác lớn nhỏ.
Không chỉ tại TP.HCM, Cúc in dấu chân mình bằng những chuyến "du lịch có trách nhiệm" - một trong những tên gọi mà nhóm của Cúc đặt cho những chiến dịch dọn rác của mình tại 39 tỉnh thành khắp Việt Nam.
Cô cùng chị gái mình hưởng ứng một chiến dịch nhặt rác quốc tế với hàng ngàn người từ 42 nước cùng tham gia. "Thông tin Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới trong việc xả rác ra biển được một báo đăng tải khiến tôi giật mình. Nghĩ mình còn trẻ, phải làm ngay điều gì đó và cũng lấy đó là lý do quyết không bỏ cuộc" - Cúc kể lý do "tìm đến rác".
Giờ đây, Cúc sẵn sàng cúi lượm bất kỳ mảnh rác nào nơi mình đi qua, dù đang ở công viên, ga tàu, chân cầu cho tới con suối, dòng kênh đục ngầu, sặc mùi hôi thối. Cúc nói mình mê việc đó và sẵn sàng dừng hết công việc để nhặt rác.
"Tôi có cơ sở để nói rằng nhặt rác chưa bao giờ là một phong trào. Bởi chính những người theo chân chúng tôi nhặt rác ở lần đầu tiên đã và đang làm nền móng cho văn hóa nhặt rác ở Việt Nam. Họ nhặt đơn giản vì nhận thấy điều này là cần thiết, vì họ yêu đất nước này và muốn nơi đây ngày càng xanh đẹp hơn" - Cúc tâm sự.
50.000 bao rác và hơn thế nữa
Hơn 3 năm "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", Cúc không thể nhớ nổi mình đã tổ chức bao nhiêu đợt nhặt rác. Chị chỉ biết đã có 39/63 tỉnh thành từng in dấu chân của mình và cộng sự. Như trở thành thông lệ, đi đến đâu họ lại tổ chức nhặt rác đến đó.
Chuyện nhặt rác cũng được Cúc tổ chức đầy chuyên nghiệp. Mỗi tình nguyện viên tham gia chiến dịch đều được trang bị từ mũ nón, bao tay, gậy gắp rác, đảm bảo an toàn. Rác được thu gom rồi cho vào các bao tải, đưa lên xe tập kết về các nhà máy xử lý rác bài bản.
"Hơn 50.000 bao rác, mỗi bao nặng hơn 30kg là những gì mà nhóm làm được từ trước tới nay. Có chỗ chỉ nhặt được vài chục bao, nhưng cũng có chỗ phải nhặt mất cả tuần trời, được năm bảy trăm bao là bình thường" - Cúc nói thêm.
So với con số gần 18.000 tấn rác được thải ra mỗi ngày ở Việt Nam (theo số liệu được Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững Đà Nẵng cung cấp) thì 50.000 bao rác mà nhóm thu gom được trong hơn 3 năm chẳng là gì. Và dĩ nhiên, Cúc thừa hiểu sức mình bởi không thể đi tìm rác để nhặt mãi được mà quan trọng hơn là làm sao nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân.
Để làm được điều đó, Cúc đăng ký tham gia các khóa học về môi trường, quản lý con người, kể cả trong và ngoài nước. "Tôi bỏ ra số tiền đủ để mua một căn chung cư loại tốt hiện tại để theo học các khóa, lớp về môi trường. Tôi muốn ngoài việc mình giỏi nhặt rác thì điều mình nói ra cũng phải đúng, đủ và ý nghĩa" - Cúc nói.
Đến nay, sau mỗi lần chương trình nhặt rác ở các tỉnh xong xuôi, việc của Cúc là dành ra một buổi để chia sẻ thêm những kiến thức về môi trường, thiên nhiên cũng như hướng dẫn học sinh, bà con ở đó phân loại rác.
Cúc có niềm tin rằng chính những "vệ tinh xanh" mà cô "cài cắm" lại sau mỗi chương trình nhặt rác, được nhóm tổ chức sẽ phần nào duy trì hoạt động này tại đây và hơn cả là lan truyền ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng rác thải nhựa...
Cũng từ hành động tự phát của chị em Cúc, đến nay nhóm Green Trips VietNam (do Cúc sáng lập) đã có hơn 40.000 thành viên. Nhiều người nước ngoài ở Ấn Độ, Hà Lan, Canada, Mỹ, Malaysia, Philippines, Nhật... sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng đang là thành viên chủ chốt của nhóm.
Vì một Việt Nam đáng sống
Đó là tên của một chiến dịch nhặt rác toàn quốc, được hưởng ứng từ chiến dịch nhặt rác quốc tế mà Cúc cùng các đồng sự của mình ấp ủ dự định sẽ tổ chức vào ngày 5-6-2021 sắp tới.
Chiến dịch được tổ chức với sự tham gia của hàng ngàn tình nguyện viên tại 63 tỉnh thành cùng các đảo lớn tại Việt Nam. Mục tiêu của Cúc đặt ra cho mình đến năm 2022 là xây dựng một hệ thống vệ tinh xanh với khoảng 1 triệu người tham gia.