Những ngày đầu tháng 5, nghe tôi có lịch công tác ở Hà Nội, cô bạn "thân ai nấy lo" rú lên đầy phấn khích: "Nhớ rút ra hai ngày cuối tuần đi Mộc Châu ngắm mận cùng tớ'.
Ngày thứ nhất
5 giờ sáng, cả đám đã lên xe khách từ Hà Nội đi Mộc Châu. Ban đầu, cô bạn dự tính đi xe máy vừa đi, vừa ngắm cảnh đẹp, thích thì dừng lại chụp ảnh. Nhưng tôi lấy lý do 'có tuổi' tay lái yếu để chạy 200km đường đèo, ngồi 5-6 tiếng đau lưng... cô bạn mới đồng ý mua vé xe giường nằm. 200.000 đồng là chi phí cho một chỗ nằm thẳng lưng, có thể tán dóc lại có thể tranh thủ trả lời mail thì còn gì bằng.
Dưới ánh nắng, những chùm mận như các đốm lửa nhỏ.
Tầm trưa, chúng tôi đến homestay bé xinh đã đặt trước. Khởi hành từ sáng sớm, cái đói như tăng gấp đôi khi bàn ăn được dọn với những đặc sản địa phương như bê chao, cá suối nướng,sashimi cá hồi..
Đã từng nghe cộng đồng du lịch rỉ tai: "Đến Mộc Châu mà chưa ăn bê chao thì không gọi là đến Mộc Châu" nhưng trăm nghe không bằng một nếm. Đĩa bê chao nóng hổi, thơm lừng với những khối thịt vuông vức 'kết đôi' cùng nước chấm tương sánh đặc, ngả màu vàng đất dậy mùi sả gừng thật hấp dẫn.
Nhẩn nha miếng thịt có nạc có mỡ dậy vị cao nguyên với thức nước chấm đủ vị chua cay, mặn ngọt đậm đà, thỉnh thoảng ngơi nghỉ với rau sống, vị thanh, mát của rau như "rửa sạch" vị trong miệng, để lần nữa, cảm nhận vị ngon của thịt. Cá suối giòn tan và rau tầm bóp, món rau được làm từ các loại rau rừng, kết hợp gia vị thanh mát, thật đã miệng. Mỗi món một hương vị đặc trưng, đáp ứng sở thích ăn uống khác nhau của cả nhóm.
Đến Mộc Châu không thể bỏ qua món bê chao
Khi cái nóng của mặt trời dịu đi là lúc hành trình khám phá cao nguyên Mộc Châu bắt đầu. Điểm đến đầu tiên là một trong những trang trại hoa quả. Tháng 5, mùa mận chín. Nhìn từ xa, những chùm mận trong nắng như những đốm lửa nhỏ, rực rỡ và bạt ngàn.
Mận đang chín rộ, khẽ vin cành, "nhón" một trái, cho vào miệng cắn nhẹ. Sau tiếng 'bụp' là vị ngọt, chua, chát ... ngon khó cưỡng. Điều lạ là, cũng trái mận của vùng đất này, nhưng nếu được thương lái chuyển ra Hà Nội hay vào TP HCM, vị chua, chát sẽ đậm hơn. Trong khi đó, khi hái và thưởng thức tại vườn, vị ngọt gần như lấn át hẳn.
Các trang trại tại Mộc Châu thường không chuyên canh một loại cây duy nhất nên sau khi "ăn no" mận, chúng tôi tiếp tục chinh phục khu vực trồng dâu tây, cà chua, các loại rau và hoa dại. Hoa dại mọc khắp nơi trong trang trại, từ kẽ tường, trụ đá đến hàng rào. Có vậy mới biết thiên nhiên ưu đãi vùng đất này biết nhường nào.
Các trang trại ở Mộc Châu không chuyên canh một loại cây mà trồng khá đa dạng.
Đường xá ở Mộc Châu vẫn còn vắng vẻ và dốc núi, nên mặt trời chưa kịp lặn, chúng tôi đã vội rời trang trại tiến về trung tâm. Sau một ngày vừa đi xe, vừa đi bộ trong trang trại, cả nhóm quyết định tạt vào quán 64 - Lan Hồng Quán. Đây là quán ăn nhận được nhiều lời khen của du khách trên các trang du lịch, ẩm thực và có view khá đẹp
Đứng ở ban công của quán, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể nhìn toàn cảnh của thảo nguyên Mộc Châu với những đồi chè bát ngát, những đồng cỏ xanh ngút ngàn. Dưới ánh trăng, không khí mát mẻ, khung cảnh thơ mộng của thảo nguyên khiến lòng người cũng dịu lại, nhịp sống cũng chậm hơn để hòa mình với thiên nhiên. Một bữa ăn cho 4 người với các món của vùng đất này tại quán dao động từ 800.000 - 1.200.000 đồng.
Ngày 2: Sang Lào đi chợ
7 giờ sáng, khi mặt trời đã chiếu những tia nắng đầu tiên thì tại một vài khu vực sương vẫn chưa tan. Từng giọt nước li ti bay vờn trong không khí khiến tách cà phê trên tay mỗi đứa như thơm hơn, không gian cũng yên bình, ấm áp hơn.
Không phải lần đầu đến Mộc Châu, nên chúng tôi quyết định khám phá điểm đến mới của vùng đất này - chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập, thay vì các địa danh quen thuộc như đồi chè trái tim, thác Dải Yếm...
Khám phá ẩm thực chợ Lào. Ảnh internet.
Do ảnh hưởng từ những cơn mưa cuối tháng trước, cung đường từ trung tâm thị trấn đến cửa khẩu Sóng Lập xuất hiện những mảng xanh nho nhỏ so với màu vàng ngút ngàn của những trảng cỏ cháy vàng. Con đường uốn lượn, thỉnh thoảng có những góc cua cùi chỏ khiến cả đám òa lên thích thú. Cảm giác như trở lại tuổi 20, của những ngày túi tiền trống rỗng vẫn rủ nhau phóng xe máy rong ruổi trên các nẻo đường lại chợt ùa về.
Lâu lắm mới được 'tháo cũi sổ lồng', mỗi đứa đều muốn kéo dài thời gian trên đường, để ngắm nhìn sự thay đổi trên con đường tuyệt đẹp. "Hậu quả" là thời gian dành cho quãng đường khoảng 35km từ trung tâm Mộc Châu đến chợ mất gấp đôi thời gian. Xuất phát từ 7 giờ, song gần 1 tiếng sau, chúng tôi mới đến chợ Lào. Chợ Lào cách chốt biên phòng tầm 30 phút đi bộ. Đi xe đến đây bạn phải bắt buộc phải khai khẩu ở cửa khẩu Lóng Sập (hay Bá Hang) mới được phép qua nước bạn. Thủ tục khai khẩu khá đơn giản.
Chợ Lào không lớn, người mua kẻ bán cũng không nhiều. Chợ bán đủ các mặt hàng từ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm đến các món gốm sứ nho nhỏ. Vài quầy bày bán những loại trái cây đặc trưng của hai nước. Một vòng dạo chợ, mỗi người "gom" kha khá thứ mình thích. Đó là chiếc túi thổ cẩm nhỏ, bộ đồ thổ cẩm bé xinh, riêng tôi là bộ chén bằng gốm nung có họa tiết vẻ tay màu xanh bơ lạ mắt.
Cung đường tuyệt đẹp vùng núi phía Bắc sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời
Sau khi "dạo nát" các gian hàng vật dụng, cả đám "tấn công" khu ẩm thực. Gọi là khu nhưng đó là những quầy bán với những chiếc bàn kê liên tiếp, bên trên là những tấm lá chuối xanh mướt trưng nào cá lóc xiên nướng trui, cá chẽm nướng lửa than, đùi gà, cánh gà, hay cả con gà được xiên hay kẹp bằng xiên tre, vàng ươm. Mỗi món ăn một vị riêng và cách chế biến cũng không giống món Việt.
Như món cá nướng, tưởng quen nhưng lại rất lạ. Cá được làm sạch, nhét sả cây trong ruột; bên ngoài tẩm muối ớt rồi đem nướng trên than hồng. Cá nướng thơm phức quyện vào hương sả, ngửi mùi đã khiến những cái bụng "rục rịch". Xúc xích Lào được làm từ thịt heo xay cùng sả và các loại gia vị khác. Sau khi nhồi vào vỏ xúc xích, chiên sơ rồi nướng trên than hồng, khi ăn có vị hơi nhẫn.
Chợ Lào hoạt động cả ngày và đêm nhưng diện tích không rộng, nên chỉ cần 2-3 tiếng là bạn có thể trải nghiệm trọn vẹn các đặc trưng của ngôi chợ.
15 giờ sẽ có chuyến xe từ Mộc Châu về Hà Nội. 12 giờ trưa, chúng tôi có mặt ở homestay để trả phòng rồi vác ba lô lang thang trong thị trấn, ghé quán ăn trưa và mua đặc sản cho người thân, bạn bè. Kết thúc hai ngày cuối tuần đi đổi gió và hái mận tại cao nguyên .