Nhiều năm trước, cô tình cờ chứng kiến một tai nạn nhỏ ngoài đường. Người đàn ông đang chở vợ cùng một cái chậu sành phía sau thì va quẹt với xe khác. Vợ và chậu ngã lăn xuống đất. Ông chồng lật đật chạy lại đỡ… cái chậu sành, suýt xoa xem nó có bị sứt mẻ gì không, trước khi kéo vợ đứng dậy.
Người vợ vừa đau vừa giận tím tái mặt mày, gào lên giữa phố xá đông người: "Anh đi mà lo cho cái chậu quý giá của anh ấy!".
Ảnh minh họa
Thiên hạ ngang qua buồn cười, lắc đầu trước cách hành xử khó tin của ông chồng. Đối diện với cơn tức bực của vợ, người đàn ông cũng có phần bất ngờ và chưng hửng. Anh luống cuống, tỏ ra biết lỗi, cố tìm cách để xoa dịu sự phẫn nộ của vợ.
Khi ấy, cô còn là một phụ nữ trẻ, những kinh nghiệm thăng trầm hầu như chưa nếm trải. Cô cũng giận giùm chị vợ kia. Nếu là mình, chắc về đâm đơn… ly hôn luôn cho xong!
Chồng gì mà đặt vật chất cao hơn vợ con, với một món đồ chẳng đáng giá là bao, và ở nơi công cộng mà còn mất mặt như thế, thì thử hỏi, khi hoạn nạn đến, còn có thể trông mong gì!
Thế nhưng, khi cuộc sống dạy thêm cho cô nhiều bài học lớn nhỏ, những được mất hơn thua dày dạn hơn, cũng là lúc cô hiểu ra, điều mình tận mắt nhìn thấy chưa chắc đúng với bản chất của nó. Và cái gì cũng có nguyên nhân, lý do, hệ quả. Đừng mang những quy chuẩn thông thường của đa số áp đặt vào chuyện tình cảm hay hôn nhân, chẳng hạn.
Bởi nếu khăng khăng "phải thế mới đúng", chính phụ nữ là người chịu thiệt thòi khổ sở, cả đời cứ loanh quanh bắt bẻ, cứ mãi muộn phiền, không thể nào hài lòng được. Biết chấp nhận, thậm chí là tha thứ, bỏ qua những thiếu sót "dở tệ" của bạn đời, cũng là cách để chính mình sống nhẹ nhõm, vui tươi.
Đừng tưởng đàn ông vốn trời sinh phái mạnh mà họ "biết tuốt", làm được hết, đoán được mọi ước mong thầm kín lẫn lồ lộ của chị em. Họ đã bận bịu với các dự định to nhỏ mang tính bổn phận trách nhiệm rồi, và trời sinh ra họ ít hẳn cái gọi là "nhạy bén", "linh cảm". Họ ham vui, dễ… bị dụ.
Nên đôi khi đàn ông vẫn đi lạc đường, cần lắm bàn tay uốn nắn lại cho đúng định hướng! Họ sẵn sàng chén hết thức ăn trên bàn, quên phần cho vợ, họ ngủ vùi khi vợ ho hay sốt bên cạnh. Chỉ cần một ả "trà xanh" ngả ngớn thả thính thôi, là đủ khiến họ lung lạc rồi. Họ làm cho chúng ta trăn trở mất ngủ với câu hỏi: hình như trong tim anh ấy, ta chẳng nghĩa lý gì!
Đã lâu rồi, mà cô vẫn nhớ như in vẻ thất vọng chua xót của người vợ ôm cái chậu sành trước ông chồng vô tâm cộng với nỗi bừng bừng bất mãn của chính mình. Trời ơi sao mà đời bi hài thế chứ! Nhưng cảm xúc của cô nay đã khác. Nó đằm hơn, bao dung hơn, thấu hiểu hơn. Nó tự bào chữa rằng, có khi ông chồng chỉ hành động theo bản năng, chứ lý trí chưa kịp phản ứng gì.
Việc ưu tiên "chậu trước, vợ sau" ấy không nói lên thứ tự nặng nhẹ trong lòng ông chồng, hay mức độ quan trọng gì ghê gớm như cô quy chụp. Có khi, với con mắt của đàn ông, thì vợ chỉ khẽ ngã xuống, không có gì nguy hiểm đáng lo. Bể chậu sành mới là chuyện lớn! Lắm khi đấy là món đồ đắt tiền mà vợ chồng đang mang đi giao dịch, là cả gia tài của gia đình. Hay đơn thuần và đáng ghét hơn, ông chồng chưa từng có khái niệm… ân cần đỡ vợ bao giờ.
Đàn ông muôn đời vẫn là đứa trẻ to xác, họ cần được "cầm tay chỉ việc". Ảnh minh họa
Tập "lý giải" cho sự vô tâm vô tư của đàn ông, khiến cô bớt bắt bẻ và hờn dỗi, không còn quá chăm chú vào các lỗi lầm mà người nam sống cạnh mình hay phạm phải nữa. Cô cũng hiểu ra, đàn ông muôn đời vẫn là đứa trẻ to xác, họ cần được "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn tận tình cách để hài lòng người phụ nữ.
"Người đàn ông bấy lâu tôi chăm sóc huấn luyện, chẳng rõ cô xài có hài lòng không?", trong một đoạn phim tay ba kiểu "tiểu tam" nào đấy, cô từng thấy người đến trước hỏi người tới sau câu ấy. Lời thoại đó khiến cô tin rằng, một người đàn ông ấm áp hay hờ hững, chu đáo hay vô tâm, cũng một phần do… vợ dạy mà ra!
Ví như, muốn chồng biết ga lăng, mở cửa kéo ghế, thì phải tập. "Bài học" nhất định cần nhẹ nhàng, tế nhị, khôn khéo. Nếu vợ chồng đã có con, thì càng dễ có cớ để đào tạo cả hai thành người lịch lãm, đáng yêu.
Vấn đề là cách người vợ bày tỏ, sao cho dịu ngọt, kiên nhẫn, ít trách cứ. Không chỉ trích hay chê bai, mà cần phải biết ghi nhận, khích lệ. Nam giới coi mạnh mẽ hầm hố vậy chứ họ vụng về, "tồ tệch" biết bao nhiêu, là thật đấy!