Nam giới cũng cần được thấu hiểu và yêu thương như phụ nữ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là kết quả của nghiên cứu "Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa", vừa được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Khuất Thu Hồng - viện trưởng ISDS, trưởng nhóm nghiên cứu - cho rằng nỗ lực bình đẳng giới sẽ khập khiễng nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông.
TS Khuất Thu Hồng - viện trưởng ISDS
84,38% nam giới trong nghiên cứu cho rằng phụ nữ nên làm các công việc nhẹ nhàng, đơn giản và 82,66% cũng đồng ý quan niệm phụ nữ nên ưu tiên chăm sóc gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp.
TS KHUẤT THU HỒNG
Các "ông" vẫn chưa thay đổi nhiều
* Vì sao nghiên cứu lần này của bà lại xoay quanh những vấn đề mà đấng mày râu Việt Nam đang gặp phải?
- Không chỉ Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới quan niệm phụ nữ là bên thiệt thòi, còn nam giới đã nhận quá nhiều ưu ái, nên phần lớn hỗ trợ hay nghiên cứu đều tập trung vào phái nữ. Vì vậy, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn để xin tài trợ cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, muốn phụ nữ tiến bộ, kêu gọi bình đẳng mà không hiểu về đàn ông thì khó thành công. Nam và nữ luôn gắn liền với nhau, mọi vui buồn của phụ nữ đều liên quan đến đàn ông và ngược lại.
Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy nam giới gặp nhiều vấn đề, đặc biệt khi xã hội phát triển nhanh chóng. Dường như những thay đổi ở nam giới còn khá chậm. Tôi không nói họ không thay đổi, nhưng tốc độ chậm hơn nhiều so với phụ nữ.
Nghiên cứu của chúng tôi cuối cùng cũng được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và chương trình Đầu tư vào phụ nữ (IW) của Chính phủ Úc tài trợ. Từ năm 2018, chúng tôi thực hiện nhiều khảo sát trên 2.567 người tại 4 tỉnh/thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa và Hòa Bình.
Đối tượng là nam giới từ 18 đến 64 tuổi.
* Đâu là những kết quả đáng chú ý về nam giới và nam tính mà nhóm bà thu được từ nghiên cứu?
- Chúng tôi bất ngờ với nhiều phát hiện. Đầu tiên, chúng tôi nhận thấy nhiều đàn ông Việt vẫn giữ không ít quan niệm truyền thống. Phần lớn họ cho rằng người phụ nữ trong xã hội hiện đại vẫn phải như... ngày xưa: ở nhà chăm lo gia đình, ưu tiên làm vợ làm mẹ, hay cho rằng đàn bà không thể làm việc dưới áp lực cao.
Cách nam giới nghĩ về bản thân cũng không thay đổi, hầu hết khẳng định họ phải là bên giỏi giang, có năng lực hơn và dù có ứng xử như thế nào thì xã hội vẫn sẽ khoan dung họ hơn. Những phát hiện này càng củng cố kết luận dường như phụ nữ thay đổi rất nhiều nhưng nam giới chưa thay đổi bao nhiêu.
Một điều đáng chú ý khác là gánh nặng về sự nam tính của đàn ông Việt. Họ luôn bị ám ảnh bởi vai trò trụ cột gia đình, luôn tạo áp lực bản thân để cứng cỏi trong mắt phụ nữ về rất nhiều phương diện.
Trong nghiên cứu, hơn 97% nam giới cho rằng họ cần là bờ vai che chở cho người phụ nữ của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ai nghĩ mình không làm được điều này thường rất căng thẳng và xem như một thất bại.
Trong khi đó, với những mối lo, gánh nặng về kinh tế là lớn nhất, chiếm khoảng 83% số nam giới được khảo sát. Con số này cũng dễ hiểu khi xã hội vật chất ngày càng phát triển.
Cách đây 20-30 năm, có xe máy là đủ, nhưng giờ phải là ôtô, thậm chí là loại tốt; con cái được đi học ở những trường đắt tiền hay du học nước ngoài. Những mối lo đặt trên vai người đàn ông khiến họ phải vất vả nhiều hơn.
Cần suy nghĩ thoáng hơn
* Còn những vấn đề gì mang tính cảnh báo từ kết quả nghiên cứu, thưa bà?
- Có một con số khác từ kết quả nghiên cứu khiến tôi bàng hoàng là tỉ lệ nam giới có ý định tự sát. 3% nam giới tham gia nghiên cứu chia sẻ rằng họ có ý định tự sát trong thời gian gần đây. Với nhóm tuổi từ 18 đến 29, con số này cao hơn, là 5,43%.
Thực tế này có vẻ tương đồng với những số liệu của Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2018, cho thấy tỉ lệ tự sát ở nam giới Việt Nam là 10,9/100.000 người, trong khi ở phụ nữ chỉ khoảng 3,7/100.000 người.
* Vậy theo bà, phụ nữ - đặc biệt là người vợ trong gia đình - có thể làm gì để giúp người đàn ông của mình tháo bớt những gánh nặng về tâm lý?
- Tôi nghĩ, trước hết cần bắt đầu ở chính nam giới. Họ cần thấu hiểu chính mình để thay đổi nhiều định kiến trước nay. Có thể thấy rằng người vợ ngày nay đã chia sẻ gánh nặng kinh tế rất nhiều với chồng, nhưng nhiều người trong khảo sát vẫn bị ám ảnh bởi mấy chữ "trụ cột gia đình".
Hay ngày nay nhiều phụ nữ rất giỏi, có khi kiếm tiền còn nhiều hơn cả đàn ông, nhưng điều này lại khiến người chồng trong nhà lo lắng hoặc tự ái khi thấy mất mặt với vợ. Ở chiều ngược lại, người vợ không có gì khó chịu khi kiếm tiền không bằng chồng mình.
Do vậy, những suy nghĩ của đàn ông cần thoáng hơn, đầu tiên nên xem việc chia sẻ gánh nặng gia đình là của cả hai người. Kế đó mới cần người vợ tinh ý và khéo léo san sẻ với đàn ông.
Quan trọng nhất trong gia đình là cả hai cần thường xuyên chia sẻ để hiểu và thông cảm cho nhau. Nam giới cũng cần được quan tâm, cần một chỗ dựa vững chắc nơi người vợ để giảm đi gánh nặng tâm lý trong cuộc sống.
* Một trong những mục tiêu của nghiên cứu là phác họa hình mẫu người "đàn ông đích thực" trong mắt của chính nam giới Việt Nam. Kết quả như thế nào, thưa bà?
- Với mục này, nhóm nghiên cứu đã thống kê, phân tích trên nhiều phương diện, tiêu chí. Chúng tôi nhận thấy hình mẫu "người đàn ông đích thực" ở Việt Nam phản ánh những khuôn mẫu truyền thống về nam giới.
Chẳng hạn, về sự nghiệp, nam giới cho rằng "người đàn ông đích thực" cần ưu tiên sự nghiệp, coi trọng học vấn và bằng cấp…, có vị trí cao trong cơ quan nhà nước, làm những công việc có tay nghề chuyên môn/kỹ thuật, phấn đấu trở thành người lãnh đạo và ra quyết định.
Về năng lực và tư cách, "đàn ông đích thực" có một cơ thể khỏe mạnh, biết sử dụng thành thạo máy móc, công nghệ hiện đại, có quan hệ xã hội rộng, có phong thái mạnh mẽ, cử chỉ dứt khoát, ăn to nói lớn, biết chấp nhận mạo hiểm, thử thách, tính cách mạnh mẽ, không tỏ ra yếu mềm, biết uống rượu giỏi.
Nguồn: VIỆN ISDS - Đồ họa: N.THÀNH
Về sinh lực, họ cần có khả năng tình dục cao, có nhiều kinh nghiệm tình trường, luôn chủ động và dẫn dắt khi quan hệ tình dục. Về gia đình, họ lấy vợ, sinh con, là trụ cột trong gia đình, kiếm đủ tiền nuôi được vợ con và có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.
Những phát hiện này rất thú vị và quan trọng cả từ góc độ học thuật, thực tiễn và cần được tiếp tục tìm hiểu sâu hơn trong các nghiên cứu về nam giới và nam tính ở Việt Nam. Hình mẫu "người đàn ông đích thực" là phiên bản nam tính bá quyền trong xã hội Việt Nam đương đại.
Nhiều tiêu chí truyền thống của "người đàn ông đích thực" cần phải được thay đổi để giải phóng chính đàn ông ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc đang gây bất lợi cho chính họ và đang cản trở sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.
N.V.V.T. (ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM):
Bị áp lực thua kém vợ
Tôi 35 tuổi, là nhân viên văn phòng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Từ khi lập gia đình năm 29 tuổi đến nay, tôi như khoác thêm hai chiếc áo khoác bên ngoài, một chiếc là "nam tính" đã làm cho người tôi nặng trĩu và lúc nào cũng cảm thấy chật chội.
Vợ tôi làm chung công ty, giỏi, trẻ, đẹp, làm tôi phải tự nhắc lại với mình hằng ngày là không được thua vợ. Những khi vợ làm tốt một dự án được thưởng nhiều, hay khi vợ vượt doanh số công ty, được mọi người tuyên dương, trong cảm giác vui và tự hào thì xen lẫn trong tôi là một ít sự tự ái và thấy mình thua kém.
Vợ tôi không đòi hỏi nhưng những dịp quan trọng như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, lễ tết, tôi tự cảm thấy mình phải có món quà cho... ra quà. Tôi cứ hình dung trước mắt những câu chuyện vợ kể với bạn bè, đồng nghiệp về những món quà kỷ niệm mà chồng tặng.
Rõ ràng nếu quà không ra gì, người khác sẽ nghĩ sao về tôi, qua lăng kính soi chiếu là người vợ của tôi. Tôi cảm thấy những áp lực dồn nén bấy lâu không có nơi để trút bỏ, và nó đã đeo đẳng tôi trong nhiều năm trời...