Thưa chú Ti Vi,
Cháu làm quản lý một cửa hàng lớn. Tại đây họ bán rất nhiều mặt hàng và rất đông khách, vị trí lại thuận lợi nên công việc rất cần người. Trong số nhân viên cũ có một bạn nữ rất giỏi, hàng hóa trong kho bạn ấy nắm vach vách; sổ sách, máy móc… cứ như bạn ấy chứa hết trong đầu; hàng nào giảm giá, hàng nào có kèm quà tặng, hàng nào có mẫu mới về bạn ấy đều trả lời rất nhanh cho khách.
Có bất kỳ việc gì mọi người cũng hướng về bạn ấy, đến cái máy cà thẻ trục trặc cũng là bạn ấy sửa. Khi cháu mới về, bạn giúp cháu rất đắc lực, hướng dẫn cháu nắm công việc thật tận tình, đến nỗi cháu tự hỏi sao người này lại không lên làm quản lý mà lại là mình.
Thế rồi sau một thời gian, cháu thấy bạn ấy rất… nguy hiểm, như kiểu nắm giữ cả linh hồn cửa hàng ấy. Ngày nào đi làm mà bạn ấy vui vẻ thì mọi người mới được vui. Ngày nào bạn ấy buồn thì tất cả đều u ám theo. Những ngày ấy bạn nhấm nhẳng, hỏi thông tin gì mọi người cũng ngại vì bạn cáu gắt, nói sao mọi người không tự nhớ mà ghi chép, tự giải quyết đi.
Cháu thấy tình hình này không ổn và đã nói chuyện với bạn ấy, lúc đầu còn ngọt ngào, sau phải "cứng giọng" rằng việc không vui ở gia đình thì không nên mang tới công ty. Sau cuộc nói chuyện, bạn ấy lầm lì với cháu luôn, rồi lầm lì với mọi người, khiến không khí trong cửa hàng rất khó chịu.
Cháu có nói chuyện với sếp lớn, sếp cháu bảo cháu toàn quyền quyết định, cái gì cháu thấy cần thay đổi thì thay đổi, thậm chí cho bạn ấy nghỉ việc, miễn công việc chung được chạy.
Cháu khó xử quá vì đáng ra cháu có thể cho bạn ấy nghỉ việc, nhưng lúc này khi COVID-19 vừa dịu bớt, mọi người còn khó khăn, cháu cho nghỉ thì khác gì đẩy bạn ấy vào đường cùng, mà giữ bạn lại thì mọi người chán ngán vô cùng. Cháu phải làm sao hả chú?
Cháu Chán Ngán
Ảnh minh họa
"Chán Ngán" thân mến,
Ai cũng biết câu "dụng nhân như dụng mộc" - dùng người như dùng gỗ - biết sở trường sở đoản của từng loại gỗ mà dùng việc này, không dùng việc kia, tận dụng cho bằng hết, không gỗ nào là vô ích.
Chú đọc thư và nghĩ lỗi đầu tiên ở đây là của… cháu. Cháu làm quản lý, tức làm người "dụng mộc". Bạn kia đúng là một thứ gỗ quý nhưng khó dùng, nhưng có thế người ta mới cần người quản lý là cháu chứ! Lỗi tiếp theo là của các nhân viên khác trong cửa hàng. Mọi người phụ thuộc vào bạn ấy quá nhiều. Nếu không phụ thuộc như cháu kể hiện nay, thì sự lầm lì, nhấm nhẳng của bạn ấy cũng chẳng khiến ai phiền lòng.
Theo chú, việc đầu tiên là chấp nhận tính cách bạn kia là như thế, ta tìm cách sử dụng thế nào cho hợp lý. Đầu tiên, cháu cần tổ chức lại công việc, mỗi người một việc độc lập, không ai có thể bắt bí ai, nhưng gộp lại tất cả khâu ấy là làm nên một guồng máy cứ thế mà chạy, thông tin về hàng hóa được gọi ra dễ dàng, được phân cấp về độ tiếp cận để vừa giữ được bí mật lại vừa thông suốt… Chú nghĩ đó chính là công việc của người quản lý, tránh việc phải nói chuyện "ngọt ngào" hay "cứng giọng" với nhân viên.
Bạn nhân viên ấy rõ là người thất thường và thích bắt bí người khác, có lẽ đó chính là lý do để sếp cháu không đưa bạn ấy lên. Nhưng bạn ấy tháo vát, ta không thể phủ nhận, và cũng không nên vì sự thất thường kia mà cho nghỉ việc, phí "gỗ" đi. Hãy chuyển bạn ấy sang làm một việc gì đó mà bạn thích làm, nhưng các nhân viên khác không phải tiếp xúc với bạn nhiều, để tính ỷ lại của họ lẫn tính bắt bí của bạn không thể phát huy.
Tuyệt đối đừng cho nghỉ việc khi mọi sự vẫn có hướng giải quyết, vì sau khi cho bạn nghỉ, chắc chắn cháu sẽ có cảm giác mình là một người quản lý kém - "không quản được thì vứt" là cách hành xử kém nhất. Sau này có việc gì thì chính sếp cháu, hoặc các nhân viên ỷ lại, sẽ quay sang trách cháu đã làm mất người tài.
Tóm lại, hãy dùng người như dùng "mộc" - dùng cho đến cùng, cố tìm ra những điểm tốt và việc thích hợp. Trong lúc cố tìm ra mặt giỏi giang của họ, ta cũng đồng thời tìm được những mặt thiện trong ta.
Chúc cháu làm tốt công việc của mình.