Kính gởi chị Hạnh Dung
Vợ tôi là một "hot facebooker". Danh sách bạn bè của cô ấy đến vài ngàn người và có gấp đôi con số đó follow các bài đăng của cô ấy. Cô ấy rất chăm chút cho trang cá nhân của mình. Dễ hiểu thôi, vì cô ấy kiếm ra tiền từ đó. Tôi cũng không thấy có vấn đề gì chuyện cô ấy suốt ngày ôm khư khư cái điện thoại để comment, nhắn tin, tư vấn này kia.
Ảnh minh họa
Thế nhưng điều làm tôi hết sức phiền là sau nhiều lần thử nhiều nội dung thì vợ tôi nhận ra kể chuyện chồng con sẽ được bạn đọc hưởng ứng nhất. Một tấm hình vui vui, một câu nói thơ ngây của con, hay thậm chí là những lầm lẫn nho nhỏ của tôi trong việc bếp núc, chăm sóc nhà cửa cùng cô ấy cũng lập tức được cô ấy khai thác tối đa trên mạng.
Lúc đầu cô ấy còn giữ được mức độ và giới hạn. Nhưng càng ngày mọi chuyện càng trở nên quá đáng. Cô ấy gán cho tôi một tính cách nào đó cố định, con tôi một sự thông minh hóm hỉnh nào đó cố định. Tôi có cảm giác mình bắt đầu trở thành trò cười trên mạng với những cách cư xử vô cùng ngớ ngẩn.
Dù sau mỗi bài viết, cô ấy luôn thanh minh rằng rất yêu những tính cách đó của tôi. Rằng ngoài chuyện đó thì tôi là một người chồng tuyệt vời. Nhưng tôi không còn cảm thấy yên ổn nữa.
Tôi nhiều lần nói chuyện với vợ, nhưng cô ấy luôn phản bác rằng đó chỉ là những tiểu phẩm nho nhỏ, và điều quan trọng là cô ấy đang kiếm ra tiền từ đó cho gia đình. Cô ấy mong tôi hợp tác và đồng ý cho tôi cứ giải thích với những người quen.
Nhưng tôi không thể nào chấp nhận cách này. Tôi còn không biết sau này con tôi lớn lên, nó có đồng ý với những cách cô ấy kể chuyện về nó hay không.
Tôi phải làm thế nào trong tình huống này, thưa chị.
Hoàng Dũng (TP HCM)
Anh Hoàng Dũng thân mến,
Những mâu thuẫn gia đình trong các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội hoàn toàn không mới. Nó đã xuất hiện từ rất lâu và gây nhiều rắc rối. Có rất nhiều cặp vợ chồng để vượt qua chúng buộc phải có những cách riêng, hoặc thỏa thuận, hoặc thậm chí không bao giờ kết bạn, theo dõi nhau trên mạng xã hội, cho phép nhau được hoàn toàn tự do trong lĩnh vực này. Chọn lựa giải pháp nào là tùy vào hoàn cảnh từng gia đình.
Tuy nhiên trong gia đình anh, mâu thuẫn liên quan đến mạng xã hội lại có yếu tố mới, khiến mọi việc khó xử hơn, là vợ anh sử dụng chúng có mục đích kinh doanh. Nó liên quan đến tài chính, kinh tế của gia đình, và điều đó khiến mọi việc khó giải quyết hơn.
Anh và chị buộc lòng phải có những lựa chọn ưu tiên. Nếu anh có thể làm theo đề nghị của chị, coi nhẹ mọi chuyện, chuyển hóa thành chuyện đùa, chuyện cười có lẽ là tốt nhất. Dù không có ví dụ nào trong thư anh, nhưng tôi vẫn nghĩ cách viết của chị chắc không đến nỗi nặng nề, xúc phạm anh. Nó chỉ là những chuyện cười đùa một cách thân ái. Bởi nếu không có điều đó, chắc chắn chị không nhận được sự cổ vũ, theo dõi của người đọc.
Nếu vẫn thấy không thoải mái, anh có thể nói với chị rằng anh sẵn sàng chấp nhận những tổn thất về kinh tế để chị không đề cập đến chuyện gia đình trên mạng. Thuyết phục chị để chị hiểu gia đình quý hơn hay tiền bạc quý hơn.
Trong vấn đề con cái, anh cũng nên yêu cầu chị thận trọng hơn, xem xét mức độ đưa lên mạng xã hội hình ảnh của con, và cho anh quyền góp ý.
Đó là những cách giải quyết nhẹ nhàng và êm thấm nhất.
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.