Khi bình đẳng giới không chỉ là "chuyện đàn bà". (Ảnh minh họa)
Phụ nữ tề gia, con trai nối dõi…
Ngày nay, các chuẩn mực giới theo truyền thống văn hoá trước kia vẫn ăn sâu trong nhiều gia đình, dòng họ. Không ít người, kể cả những nam giới có trình độ vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con, đẻ cái, tề gia, nội trợ. Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, con trai là người thừa kế tài sản, có người "chống gậy" nên phải tìm cách sinh con trai bằng mọi giá.
Trong nhiều gia đình có cả con trai, con gái thì lại có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng ngay trong chính gia đình mình. Con trai luôn có quyền nhiều hơn, được bênh vực hơn chị em gái, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa cũng chỉ dạy con gái làm. Khi các con trưởng thành, lập gia đình thì bố mẹ lại để thừa kế tài sản phần lớn cho con trai, con gái chẳng qua cùng là "con người ta", đi làm dâu thì hưởng phúc nhà chồng… Chính những quan điểm không phù hợp này vô hình trung đã dẫn đến những hệ lụy áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ, biến những thời gian giải quyết việc nhà thành thời gian làm việc không được trả lương.
Thực tế cho thấy, phụ nữ dẫu không biết nấu ăn giỏi, không thể một mình nấu cả chục mâm cỗ mà phụ nữ có thể lái máy bay, có thể bay vào vũ trụ nếu từ nhỏ đã được cha mẹ phát hiện và vun đắp khả năng ấy. Thậm chí, phụ nữ vẫn có thể làm đủ mọi việc và vẫn nội trợ giỏi. Đàn ông cũng vậy!
Thế nhưng, trước nay, thay vì để tâm tới khả năng cá nhân của con cái thì nhiều cha mẹ mặc định, con trai phải hướng ngoại, phải học những nghề dành cho nam giới, còn con gái thì hướng nội và chỉ chọn những việc nhẹ nhàng phù hợp với thể chất… Trong khi đó, ngày nay, hai giới có thể hoàn toàn hoán đổi công việc cho nhau, những đầu bếp, chuyên gia trang điểm, cắt tóc, thời trang giỏi đều là nam giới. Và chúng ta đã có những nữ phi công trẻ là nữ…
Cùng với đó, những khuôn mẫu định kiến giới vẫn hiện hữu ngay từ những cuốn sách, những cuốn truyện mà trẻ được học từ những năm đầu đời. Trẻ em gái, phụ nữ thường được gắn với các vai trò như nấu ăn, chăm bé, làm việc nhà, công việc thì chủ yếu được minh hoạ là cô giáo, y tá. Trong khi đó, trẻ em trai, nam giới được gắn với các hình ảnh kỹ sư, cảnh sát, bác sĩ hoặc người lãnh đạo, chỉ huy...
Bởi thế, không ít cặp vợ chồng đã sinh 2 con gái khoẻ mạnh, thông minh nhưng vẫn ấp ủ bằng mọi giá có thêm con trai. Nhiều cặp đôi có con đầu lòng là gái thì tìm đủ phương pháp để sinh đứa thứ 2 phải là trai. Khoa học phát triển, nhiều biện pháp có thể áp dụng để lựa chọn, kiểm soát giới tính thai nhi và nhiều người đã chi rất nhiều tiền, thậm chí sang nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn sinh con trai. Đau lòng hơn, có người còn lựa chọn việc bỏ thai khi biết đó là con gái. Hệ lụy thừa nam, thiếu nữ không chỉ trong tương lai. Theo tính toán của các nhà nhân khẩu học, năm 2019, có khoảng 45.900 em gái bị thiếu hụt trong số sinh trong năm, chiếm tới 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra. Nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục cao như hiện nay thì chỉ khoảng hai, ba chục năm tới, sẽ có hàng triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ không thể tìm được bạn đời.
Theo Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là Tỷ số giới tính khi sinh (SRB), chỉ số phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở mức cân bằng tự nhiên là khi tỷ số này trong khoảng 103-107 trẻ trai so với 100 trẻ em gái sinh ra sống trong một khoảng thời gian xác định, thường là 1 năm của quốc gia hay đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Nỗi ám ảnh tìm kiếm con trai và hệ lụy
Nhiều cặp vợ chồng bởi nỗi ám ảnh phải có người "chống gậy", nối dõi, quản lý tài sản mà tìm mọi biện pháp để có con trai. Trong nước chưa được thì ra nước ngoài, chỉ với mong mỏi có nơi nào đó đồng ý giúp họ lựa chọn giới tính trước sinh. Cũng không ít trường hợp mang thai tự nhiên, nhưng đến khi siêu âm cho kết quả giới tính không như mong muốn, nhiều gia đình lựa chọn biện pháp bỏ thai. Nhiều bác sỹ cho biết, khi đã tư vấn để họ giữ lại thai nhi không được, nếu bác sĩ tại bệnh viện không nhận giúp họ bỏ thai, thì họ sẽ đến với các phòng khám tư. Không ít người mẹ đã bỏ lại con thơ vì những lựa chọn mạo hiểm này…
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các hệ lụy và tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững đất nước có thể được nhìn nhận dưới các góc độ.
Đó là, khi lựa chọn sinh con trai, đồng nghĩa các cặp vợ chồng đã tước đi quyền sống của những bé gái. Và càng lựa chọn giới tính thai nhi là nam thì có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn rất nặng nề. Cùng với mất cân bằng giới tính, hệ lụy tiếp theo mà Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt là gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng cao nguy cơ số vụ ly hôn. Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái…
Theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít gia đình quyết định bỏ thai khi thai đã ngoài 22 tuần. Nếu bệnh viện từ chối vì vi phạm luật, thì thai phụ vẫn có nhiều cách để phá bỏ thai nhi, thậm chí họ tìm đến cả những cơ sở y tế không đảm bảo chuyên môn.
Và như vậy, nếu cứ cố để sinh bằng được con trai, người phụ nữ có thể phải bỏ thai nhiều lần. Sau mỗi lần bỏ thai, là một lần đau đớn về thể xác và tinh thần. Bị nhiễm trùng, nguy cơ gây vô sinh thứ phát, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng hoặc bị mắc bệnh trầm cảm, không thể mang thai, phải đi điều trị lâu dài.
Cùng với sự tốn kém hàng trăm triệu, không ít người, nếu xét nghiệm không chính xác (do thai nhi còn nhỏ) thì nguy cơ bỏ thai oan. Nếu sử dụng biện pháp có lựa chọn giới tính, có thể tiêu tốn đến vài trăm triệu, nhưng không phải 100% các trường hợp đều đạt được mong muốn.
Do việc mong mỏi có con trai cũng dẫn đến nuôi dạy con không công bằng, cưng chiều con trai quá mức, các con gái phải chịu "thiệt thòi" và tính hiếu thắng, độc tôn của trẻ trai. Vòng luẩn quẩn đó ăn sâu vào nếp nghĩ, trong văn hóa của người Việt…
Khi mất cân bằng về tỷ số giới tính đều kéo theo những hệ lụy kinh tế và xã hội khác. Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự trị an xã hội, ngay cả một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, y tá, may mặc…
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên giáo dục giới tính cho trẻ từ khi nhỏ. Nhưng thực tế, các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, gia đình và dòng họ... Bởi thế, chỉ khi nào những quan điểm đó được thay đổi, rằng không phải con trai hay con gái, mà chúng ta đã nuôi dạy một đứa trẻ có công bằng hay không, ngay từ chính mỗi nếp nhà! Chỉ khi nào, trong gia đình, phụ nữ được nâng niu, đàn ông có thể chia sẻ mọi lo toan, mọi công việc với phụ nữ thì khi ấy, bình đẳng giới mới thực sự bắt đầu! Và bọn trẻ cũng nhìn đó mà lớn lên, để thay đổi định kiến, chuẩn mực! Bình đẳng giới là câu chuyện từ hai phía, chứ không phải chỉ là "chuyện đàn bà" và những hô hào!...
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội - Đại học Kinh tế quốc dân: Mong muốn có con trai đã thành tìm kiếm con trai!
Giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ quyết định đến nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới! Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai.