Đạo diễn Kim Ki Duk qua đời ngày 11-12 do biến chứng của Covid-19 tại Latvia. Theo SBS, Jeon Yang Jun - Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Busan - nói: "Kim Ki Duk mất khi còn hơn một tuần nữa đón tuổi 60. Sự ra đi của ông là nỗi buồn, mất mát lớn với ngành công nghiệp điện ảnh Hàn. Mong người đã khuất yên nghỉ".
Hơn ba thập kỷ, Kim Ki Duk luôn được đánh giá là "đạo diễn dị biệt nhất Hàn Quốc", với lối suy nghĩ đi ngược số đông. Các tác phẩm của ông ít lời thoại nhưng đậm yếu tố tình dục, bạo lực và sự bế tắc.
Trong Pietà, ông khai thác cảnh kẻ vay nặng lãi bị đánh đập tàn bạo, người vợ phải bán thân để cứu chồng hay cảnh hai mẹ con loạn luân. Trong Tiểu đảo, đạo diễn đặc tả cảnh người đàn ông nuốt các móc câu tự tử, người tình của anh ta gào khóc, lôi từng móc câu khỏi cuống họng bạn trai. Theo Osen, cảnh thân thể cô gái chìm dưới nước, máu nhuộm đỏ một vùng khiến người xem ám ảnh, thậm chí có người ngất trong rạp. Tương tự, nhiều khán giả đã nôn mửa ngay tại rạp, nhiều người bỏ về giữa chừng vì không thể chịu nổi các cảnh quay "điên loạn" của Moebius năm 2013. Trong phim, người phụ nữ vì ghen và hận mà muốn cắt đứt dương vật của chồng, con.
Giới phê bình Âu Mỹ chấp nhận quan điểm của Kim và đánh giá cao các phim của ông. Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của Kim, nằm trong danh sách "Những bộ phim vĩ đại" của nhà phê bình phim Roger Ebert.
Theo Pann, sự lập dị của Kim Ki Duk không chỉ ở tư duy mà còn ở hành động. Khi lên bục nhận giải Sư Tử Vàng năm 2012, thay vì có một bài phát biểu cảm ơn như nhiều người, Kim Ki Duk chỉ hát một ca khúc ngắn bằng tiếng Hàn, rồi im lặng rời lễ trao giải. Giám khảo lẫn khách mời lúc ấy đều ngơ ngác, không hiểu gì và cho rằng "người đặc biệt nên hành động cũng khác biệt".
Khoảng 20-25 tuổi, ông vào Thủy quân lục chiến. Sau giải ngũ, ông sống với người mẹ mù tại một cơ sở phúc lợi dành cho người tàn tật ở Seoul. 30 tuổi, ông gom toàn bộ tiền tiết kiệm sang Paris (Pháp), tự học hội họa. Suốt ba năm nơi xứ người, ông "lăn lộn" ở nhiều gầm cầu, bãi rác, trò chuyện và tiếp xúc với hàng nghìn người vô gia cư. Những thói quen táo bạo của Kim cũng hình thành ở đây khi chứng kiến nhiều cảnh đánh giết, tranh địa bàn. Thậm chí, nhiều lần khi đó ông ăn thịt gà sống.
Ở tuổi 32, Kim hoài nghi về cuộc sống và mơ làm phim khi tình cờ xem Sự im lặng của bầy cừu và Les Amants du Pont-Neuf. Ông về nước, thực hiện dự án đầu tay Crocodile năm 1996 và dần định hình "phong cách Kim Ki Duk" trong điện ảnh. Hầu hết phim của Kim không thành công trong nước, nhưng ông được gọi là công thần khi giúp điện ảnh Hàn chinh phục các liên hoan phim thế giới. Ông từng đoạt giải Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice 2012 (với Pietà), "Đạo diễn xuất sắc" ở Liên hoan phim Berlin 2004 (phim Samaritan Girl) và giải "Nhãn quan độc đáo" ở Liên hoan phim Cannes 2011 (dự án Arirang).
Ba năm cuối đời, Kim Ki Duk gần như bị tẩy chay ở quê vì nhiều lời tố cáo ông hiếp dâm, quấy rối tình dục diễn viên nữ. Ông từng bị xử thua kiện, phải nộp phạt 5 triệu won (hơn 100 triệu đồng) năm 2017. Sau bê bối đời tư, Kim và vợ chia tay. Đạo diễn chủ yếu sống ở nước ngoài, hoạt động tích cực ở Nga và Kazakhstan. Năm 2019, ông là chủ tịch hội đồng giám khảo của Liên hoan phim quốc tế Moskva.
Theo Chosun, ông Kim Young Jin - giáo sư khoa Điện ảnh và Nhạc kịch tại Đại học Myongji - nói: "Trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, Kim Ki Duk là một hòn đảo biệt lập".