Chị Hạnh Dung kính mến,
Em năm nay 29 tuổi, đã lập gia đình được gần bốn năm, có một bé trai đầu lòng hai tuổi. Cuộc sống của gia đình em không thiếu thốn nhưng không phải là cuộc sống hạnh phúc. Bề ngoài, chồng em là một người chăm lo công việc, không la cà nhậu nhẹt chơi bời. Nhưng bản thân em, em biết mặt trái con người anh ấy rất kinh khủng.
Anh ấy đi làm về có đưa tiền lương cho em chi tiêu, lo ăn uống cho gia đình và hiếu hỷ với cha mẹ hai bên. Tuy vậy, mỗi tháng anh bắt em phải trình bày toàn bộ chi tiêu trong tháng. Cuối tháng, anh ấy hỏi từng khoản chi, khoản nào không hợp ý anh, anh la mắng em là "ngu", "xài tiền mà cũng không biết xài".
Ảnh minh họa
Càng ngày, lời lẽ của anh càng nặng nề, có khi đá ghế đập bàn lớn tiếng. Dần dần, em rất sợ những buổi phải giải trình chi tiêu như vậy. Có khi, em mua một món đồ nào đó, phải nghĩ cách ghi bớt tiền, để đừng mắc quá làm anh chú ý, rồi san tiền qua những khoản lặt vặt khác.
Dạo gần đây, chợ búa đắt đỏ, thứ gì cũng lên giá, em tiết kiệm lắm nhưng tiền chi tiêu trong tháng vẫn hết sớm. Anh không tin, còn nghi ngờ em giấu bớt, khi em nói em trả hết cho anh tự cầm tiền mà chi tiêu, anh đã quăng cuốn sổ vào người em, nói em là thứ vô dụng. Em không biết làm sao để anh thay đổi tính tình, bớt chặt chẽ với em?…
Kim Oanh (TP HCM)
Em Kim Oanh thân mến,
Trước khi lấy nhau, em có biết mặt trái con người ấy là như vậy không? Chắc là không, bởi nếu biết vậy, khó người phụ nữ nào chấp nhận. Nếu tính cách này chỉ xuất hiện từ khi vợ chồng chung sống với nhau, có thể có hai khả năng: một là, vợ đã chi tiêu thế nào đó làm chồng mất lòng tin, phải kiểm soát chặt; hai là, đây là tính cách của anh ấy, dù anh ấy đã cố giấu nhưng bây giờ nó bộc lộ, không giấu được.
Đối với khả năng thứ nhất, em kiểm tra lại xem có phải mình đã từng sai một vài lần trong quá khứ và từ đó đến giờ mình đã khắc phục được lỗi sai chưa. Nếu đã giải quyết xong chuyện cũ rồi, em nói rõ với chồng, cần thiết thì xin lỗi lại, hỏi xem thực sự chồng có yêu cầu nào khác nữa không. Cần làm rõ những yêu cầu này, để vợ chồng có sự tin tưởng lẫn nhau. Người vợ là tay hòm chìa khóa trong nhà, nếu không có sự tin tưởng thì khó nên nhà nên cửa.
Trường hợp thứ hai, nếu đây là tính cách của anh ấy thì chuyện sẽ phức tạp hơn. Có những người muốn kiểm soát mọi chuyện theo kiểu như vậy. Mình phải đương đầu với tính cách ấy thôi, không thể thỏa hiệp. Em lựa chọn lúc không có mặt con, vợ chồng nói chuyện dứt khoát với nhau. Tiền chi tiêu trong nhà hằng tháng là như vậy, mọi khoản đã rõ ràng, bao lâu nay anh coi sổ sách biết rồi, nay em không muốn phải giải trình hằng tháng nữa.
Nếu anh cần coi sổ, em để sổ đó anh có thể coi bất kỳ lúc nào. Chỗ nào anh hỏi em sẽ trả lời nhưng tuyệt đối không có chuyện chửi bới, nhiếc móc. Em hãy dũng cảm nói thẳng ra một lần, càng im lặng chịu đựng, chuyện sẽ càng ngày càng tệ em ạ.
Dù gì đi nữa, trong trường hợp này, người đàn ông chắc hẳn ít nhiều ý thức được việc mình đang làm có gì đó không đúng. Chỉ vì mình im lặng chịu đựng nên người ta càng làm tới. Cần chỉ rõ đây là một loại bạo lực tinh thần, cần giải quyết sớm, không thể để tình trạng này tồn tại mãi được, bởi nó sẽ giết chết hạnh phúc và tình cảm vợ chồng. Em mạnh mẽ lên nhé!
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Huỳnh Oanh (Q.7, TP HCM): Hãy xem như đó là mặt tích cực
Tôi thật sự ngạc nhiên trước sức chịu đựng của chị. Tôi tin chắc rằng, những suy nghĩ về tiền bạc kiểu thế này nơi anh có thể là do anh từng bị một cú sốc gì đó liên quan nên không tin ai, thậm chí ngay cả vợ mình. Có thể điều đó xảy ra từ trước khi cưới chị nhưng nỗi ám ảnh tiền bạc khiến anh chẳng thể nào thoải mái.
Trước tiên, chị nên tâm sự khéo léo với chồng thử xem điều gì khiến anh thế này rồi mới có cách để điều hướng anh. Mặt khác, chị hãy xem như mình may mắn. Nếu là tôi thì tôi chọn thỏa hiệp mà sống. Biết đâu lại nên cửa nên nhà từ tính cách này. Bởi những người như thế không chi xài nhiều. Vì vậy, họ có thể tích lũy được tiền cho con học hành sau này. Hãy níu vào điều tích cực mà sống, chị nhé!
Thùy Trang (Q.11, TP HCM): Đừng lãng phí đời mình trong ấm ức
Chuyện nhà tôi giống hệt chuyện nhà chị và chúng tôi vẫn chung sống đến giờ. Mới đây, vợ chồng tôi cũng vừa mua được nhà sau nhiều năm tích cóp. Tất cả từ kế hoạch chi tiêu và dành dụm của chồng tôi. Dù lòng ít nhiều ấm ức nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng anh được việc. Lớn lên ở quê, nhà nghèo và học hành dang dở nên với anh, có nhà ở Sài Gòn chính là một thành công lớn và bằng mọi giá anh phải thực hiện điều đó. Đưa tiền. Ghi sổ. Kiểm tra. Nặng nhẹ. Mọi thứ đều từng trải qua. Bao lần tôi tính bỏ phứt cho rồi để nhẹ lòng nhưng vì các con, tôi đã cố. Bao năm rồi, niềm vui của tôi là chồng con và cái nhà mới này. Tôi đã đứng dậy phản kháng sự hà khắc của anh. Anh cũng đã nói ra hết nguyên do khiến anh hành xử như vậy. Kết quả, mọi chuyện được cải thiện đáng kể. Anh đã cố gắng thay đổi trong cách hành xử: nhẹ nhàng hơn và tôn trọng vợ. Tôi chỉ tiếc rằng mình đã phản kháng hơi muộn, để phải chịu đựng trong ấm ức suốt một thời gian dài.