Khác hơn so với miền Bắc, sự trù phú về nông sản của miền Nam thể hiện rất rõ qua mâm cỗ Tết. Thịt, rau, các loại màu sắc, hương vị… đều cực kì phong phú và bắt mắt.
Điều đặc biệt là do khí hậu miền Nam quanh năm ổn định, không có mùa đông lạnh, nên những món ăn ngày Tết cũng không phản ánh ẩm thực xứ lạnh, mà gần gũi với ẩm thực nhiệt đới hơn.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam.
Nếu ngày Tết miền Bắc gắn liền với bánh Chưng thì bánh Tét chính là món ăn ngày Tết cổ truyền miền Nam. Theo dân gian truyền miệng, tên gọi bánh Tét là do dân ta đọc chệch đi từ "bánh tết", nghĩa là loại bánh được nấu vào ngày Tết. Ngoài ra, bánh tét còn được gọi bằng cái tên thân thương khác như bánh đòn. Nguyên nhân là bởi bánh có hình trụ tròn, có kích cỡ to/nhỏ tùy vào sở thích và nhu cầu của người làm bánh.
Một món ăn ngày Tết không thể thiếu của người dân miền Nam đó là canh khổ qua. Món ăn này không chỉ có tác dụng giải mỡ, thanh nhiệt, phù hợp với thời tiết nắng ấm của miền Nam mà theo quan niệm dân gian, món canh khổ qua sẽ giúp xua đi những khó khăn của một năm mới để cầu mong một năm mới đến với những điều tươi đẹp hơn. Tuy giàu có về thịt thà, nhưng bữa cơm ngày Tết miền Nam vẫn không thể thiếu món này.
Khác với canh khổ qua thanh mát, canh măng khô hầm xương lại là một hương vị đặc biệt khác của mâm cỗ ngày Tết miền Nam. Đây là một "món mặn" cung cấp nhiều chất xơ từ măng khô, lại thêm chất ngọt dịu của xương heo, hương vị bắt vị giác cực kỳ mà bất cứ ai cũng đều mê tít. Ngoài ra, chúng ta có thể nấu cùng với miến hoặc mì gạo là có ngay một ngón ăn khác, vừa no bụng, vừa đỡ ngán.
Nếu ngày Tết miền Bắc đặc trưng với món thịt đông nhờ tiết trời se lạnh thì thịt kho tàu lại là món ăn chủ yếu trên mâm cơm ngày Tết miền Nam. Đó chính là món ăn thân quen và gắn bó sâu sắc với các thành viên trong gia đình từ nhỏ tới lớn.
Hình ảnh bát thịt đậm đà màu cánh gián khiến mọi người cảm nhận được không khí hòa thuận, sum vầy - dấu hiệu cho một năm mới sang cùng nhiều thuận lợi, may mắn. Quả trứng, hay còn gọi là hột vịt trong món ăn thường không được cắt đôi mà để nguyên cả quả, ngụ ý cho một cái Tết trọn vẹn và đủ đầy của gia chủ.
Tương tự như dưa món đủ màu sắc ở miền Trung, thì củ kiệu tôm khô ở miền Nam là một trong các món ngon ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ của những người dân miền Nam. Củ kiệu kết hợp cùng với tôm khô tạo nên một món ăn vô cùng ngon miệng với vị chua chua ngọt ngọt, bùi bùi rất đặc trưng và là một món ăn mà các chú các bác đều thích và là món không thể thiếu trên bàn nhâu trong những dịp tết ấm cuốn như thế này.
Và tất nhiên khi chúng ta điểm danh các món ngon ngày Tết miền Nam cũng giống như 2 miền còn lại của đất nước không thể thiếu sự góp mặt của chả giò, những miếng chả giò thơm ngon, giòn rụm và đặc biệt ngoài những món chả giò nhân mặn còn có sự góp mặt của món chả giò nhân hoa quả.
Ngoài ra, Gỏi gà xé phay món ăn với vị chua ngọt dịu mát, chế biến lại nhanh gọn, ngon và nhiều dinh dưỡng. Vừa ngon, vừa sang và đặc biệt không phải lo tăng cân hay ngán các món ăn từ thịt đâu nhé.
Người miền Nam chân chất, thật thà lại phóng khoáng và thân thương. Trong phong cách sống của người miền Nam không bị ảnh hưởng bởi lễ nghi, tập tục cho nên họ cũng không quá khắt khe trong việc bày biện mâm cúng.
Mâm cỗ ngày Tết miền Nam tuy không quá cầu kỳ nhưng cũng rất đủ đầy và phong phú. Do thiên nhiên, đặc sản đa dạng mà trên mâm cỗ có rất nhiều những món ngon cũng như các loại trái cây vô cùng hấp dẫn.
Những món ăn trên mâm cỗ của người miền Nam có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt,..cùng hòa quyện, khiến ai ăn hoài cũng không thấy ngán. Chính sự đặc biệt này mà khiến cho nhiều người ở xa phải nhớ hoài không thôi.