Năm 2005, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá thêm một hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Sau hơn 5 năm khảo sát và nghiên cứu, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh chính thức công bố và đặt tên là động Thiên Đường. Với chiều dài 31,4 km, đây là hang động khô dài nhất châu Á vào thời điểm đó.
Cổ tháp
Việc tiếp cận và di chuyển bên trong động Thiên Đường, giờ đây, thuận tiện hơn vì năm 2010, một doanh nghiệp được cấp phép khai thác du lịch đã đầu tư hệ thống xe điện vận chuyển từ cổng khu du lịch đến chân động, đường nhựa và đường bậc thang từ chân động đến cửa động và một hệ thống cầu gỗ chạy dài trong lòng động. Tuy vậy, bạn vẫn cần phải thật khỏe mạnh để leo lên hơn 520 bậc thang từ chân động đến cửa động và cũng tương tự chừng đó bậc thang từ cửa động xuống lòng động bằng chính đôi chân của bạn mà không có bất cứ một phương tiện hỗ trợ nào. Nhưng …. chẳng có thời gian để mà mệt mỏi vì bạn sẽ choáng ngợp khi đứng trong khung cảnh nguyên sơ nhưng quá vĩ đại của tạo hóa!
Động Thiên Đường thuộc địa hình cattơ cổ, đá vôi có niên đại khoảng 350- 400 triệu năm. Người ta ví đây là “hòang cung trong lòng đất” vì vẻ đẹp và sự phong phú của hệ thống măng đá, nhũ đá. Theo các nhà khoa học, nơi này quy tụ đầy đủ các dạng nhũ đá có ở tất cả các hang động trên thế giới: nhũ ống, nhũ dòng, nhũ rối… và nhiều sắc màu: từ loại nhũ nâu, nhũ xám hình thành từ nước có lẫn tạp chất cho đến những khối nhũ trắng tinh khiết kết tinh từ những giọt nước không lẫn tạp chất … Sự đa dạng này đã làm nên cả thế giới sống trong lòng động đá. Từ chú thỏ ngọc đáng yêu, tháp chàm cổ kính, nhà rông Tây Nguyên huyền bí đến những tượng Phật linh thiêng… tất cả như được chạm trổ từ bàn tay những người thợ điêu khắc tài hoa. Nhưng thật ra, tất cả đều được hình thành từ cặn bụi trong từng giọt nước rơi từ trần động xuống, gần 400 triệu năm- bao nhiêu giọt nước và bao nhiêu cặn bụi đã làm nên một thiên đường như ngày nay! Và thiên nhiên vô tình hay hữu ý đã “thai nghén” những khối nhũ “đời” đến như thế?
Cung Quảng Hàn.
Dương xỉ trong động Thiên Đường
Một trong những “tuyệt tác” của động Thiên Đường chính là cung Quảng Hàn. Những cột đá cao, vững chãi như trụ cung được chạm trổ nhiều hình dạng. Thạch nhũ kia vốn thuộc tính cứng nhưng khi kết rèm không thiếu sự uyển chuyển, thướt tha khi buông từ trần động xuống. Thêm sự trợ giúp của ánh đèn led khiến mọi thứ trở nên long lanh hơn, khách tham quan cũng trở nên bay bổng hơn khi tưởng tượng về bóng dáng của những nàng tiên thấp thoáng.
Nếu có máu phiêu lưu, mạo hiểm, bạn hẳn sẽ thích đám nhũ rối. Đúng như tên gọi, chúng mọc thành sợi, thành chùm chằng chịt theo “tùm lum” hướng khác nhau, không theo bất cứ quy luật nào. Có người nghĩ mình đang lạc vào một cánh rừng nào đó nhưng chắc chắn sẽ có người tưởng tượng mình đang luồn dưới những đám rễ cây để du hành vào lòng đất!
Tháp Chỉ Thiên như cây bút khổng lồ.
Độc đáo nhất động Thiên Đường có lẽ là tháp Liên Hoa với những tầng nhũ đá mọc đều và xòe ra như những tầng hoa sen khổng lồ, đẹp tuyệt vời. Thường nhũ đá được hình thành từ cặn của nước nhỏ giọt theo phương lực hút của trái đất, nên có hướng mọc từ trên xuống. Riêng nhũ đá ở tháp Liên Hoa có hướng mọc từ dưới lên. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa lý giải chính xác về hiện tượng này.
Với những người cầm bút, tháp Chỉ Thiên có lẽ là nơi dừng chân lâu nhất. Nó như một cây bút khổng lồ mà khi đối diện, bỗng thấy trái tim mình và cái đầu bỗng ấm nóng hơn với cuộc sống, tự thấy cần cẩn trọng hơn với từng dòng chữ và trách nhiệm với công việc.
Thỏ ngọc
Quy luật hình thành tháp Liên Hoa vẫn chờ câu trả lời từ các nhà khoa học.
Đá vôi nguyên sinh và nhũ đá trong động Thiên Đường đã được hình thành từ 350- 400 triệu năm trước.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục khám phá và nghiên cứu về những điều huyền bí trong động Thiên Đường. Những kiến tạo địa chất trong động vẫn đang hoạt động, tiền sử 400 triệu năm vẫn tiếp diễn. Và bảo vệ thiên nhiên chính là giữ cho các thế hệ sau thêm một “thiên đường”!