Nhiều điểm vô lý
Về việc này, đại diện đến từ Ủy ban thực phẩm đồ uống thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam cho rằng có điểm không ổn khi sửa đổi nghị định 43 về nhãn hàng hóa. Đây cũng là lần sửa đổi thứ 3 từ năm 2017. Dự kiến Nghị định mới có hiệu lực từ 6-2021 nhưng việc thay đổi này đã rất tốn ém, phiền hà cho doanh nghiệp.
Theo đó, dự thảo nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tập kết tại kho TP HCM trước khi phân phối ra nhà hàng, khách sạn, siêu thị
Tại khoản 4 Điều 9 về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, sẽ được sửa đổi, bổ sung là "Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trên nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP tối thiểu bằng tiếng nước ngoài tại cửa khẩu.
Trường hợp các nội dung bắt buộc trên nhãn gốc chưa được thể hiện bằng tiếng Việt, nhãn gốc còn thiếu các nội dung bắt buộc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP khi đưa ra lưu thông và giữ nguyên nhãn gốc…
Theo các doanh nghiệp, khoản b, Điều 10 yêu cầu nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện các nội dung như tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá trước khi nhập khẩu vào Việt Nam là không khả thi.
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cho biết, quy định này có thể gây tốn kém cho doanh nghiệp với những chi phí không cần thiết và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cũng tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do và hàng hoá xuất khẩu đi rất nhiều quốc gia trên thế giới…
Ông Đinh Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Hoàng Khánh cho rằng một mặt hàng do doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia hoặc ngay doanh nghiệp Việt khi có thể xuất khẩu đến đi cũng phải đi qua nhiều thị trường khác nhau, có rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu có thể cùng phân phối mặt hàng đó. Do vậy, không thể bắt buộc doanh nghiệp ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân (nhà nhập khẩu) trên nhãn gốc trước khi nhập về Việt Nam.
Trước đó, tại một số hội nghị, hội thảo lấy ý kiến cho nghị định sửa đổi này, các doanh nghiệp cũng nhiều lần nêu ý kiến góp ý và đến giờ vẫn chờ nghị định mới được ban hành theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi và vẫn bảo đảm hoạt động kiểm soát của cơ quan quản lý.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp cũng quan ngại về việc nghị định sửa đổi yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc mới được thông quan tại cửa khẩu. Chẳng hạn, máy bay do Airbus, Boeing sản xuất trước khi nhập về Việt Nam phải dán nhãn "Nhà nhập khẩu: VietJet hoặc Bamboo"; hay các hãng điện thoại trước khi xuất sang Việt Nam phải dán nhãn cho từng chiếc điện thoại với tên nhà nhập khẩu là Vinaphone, MobiFone,...? Trong khi, các doanh nghiệp đa quốc gia, sản xuất ở nhiều nơi và bán hàng khắp thế giới chỉ bằng một nhãn thương hiệu chính.
Theo ông Trần Quang Trung - Hiệp hội Sữa VN, việc quy định phải ghi thông tin bằng chữ của nước nhập khẩu cũng vô lý vì nhiều quốc gia dùng chữ tượng hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông thì làm sao các cơ quan chức năng đọc được mà quản lý.
Chưa kể các nhà nhập khẩu có yêu cầu ghi nhãn theo họ chứ không phải theo quy định của VN. Hiện do dịch Covid-19, sản xuất của nhiều nhà máy sữa bị đình trệ, nhãn mác đã in sẵn còn rất nhiều sẽ phải hủy đi, rất lãng phí, đồng thời cho rằng, Nhà nước phải có lộ trình dài cho doanh nghiệp chuẩn bị từ 3-5 năm chứ tháng 6-2021 áp dụng thì khó cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu cũng khó
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng cho rằng, nhãn in trên hàng hóa xuất khẩu cũng phải theo nhà nhập khẩu, theo quy định của nước nhập khẩu, quy định nhãn xuất khẩu theo quy định của Việt Nam là gây khó khăn cho DN và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Những quy định mới trong dự thảo nghị định, không chỉ tác động riêng tới hoạt động nhập khẩu như đã nêu mà gây khó cho hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, nhãn mác trên bao bì xuất khẩu còn do phía người mua quy định theo yêu cầu của nước nhập khẩu, họ không yêu cầu phải ghi như quy định tại Việt Nam’- ông Hưng chia sẻ thêm.
Theo nhiều doanh nghiệp, quy định về nhãn mác tại dự thảo quy định mới trái với thông lệ quốc tế, khi tổ chức, cá nhân xuất khẩu chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo quy định trong hợp đồng. Còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu.
Còn theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, không nên thay đổi cho những lĩnh vực đã có quy định rõ ràng và không vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước như nhãn hàng hóa là thực phẩm. Nên quy định ghi những tiêu chí cơ bản, quy định cho nhóm thực phẩm phù hợp với nội dung thành phần dịnh dưỡng cần cảnh báo và quy định cụ thể về lộ trình áp dụng cũng như nhóm hàng hóa áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam vì hiện nay tại Việt Nam các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ cũng như quy mô hộ gia đình chiếm đa số.
Dưới góc độ pháp lý, một số chuyên gia luật cho rằng việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, có thể vi phạm các điều khoản của những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu…Điều này đồng nghĩa với việc Nghị định sửa đổi này còn bất cập, trái với thông lệ quốc tế, tạo nên các rào cản thương mại, gây khó cho doanh nghiệp, khó khả thi.