Một sớm yên bình trên hồ Na Hang thuộc hai huyện Lâm Bình và Na Hang, cách trung tâm TP Tuyên Quang khoảng 110 km. Na Hang là nơi hợp lưu giữa hai sông Gâm và Năng, quanh hồ là núi non hùng vĩ với diện tích bề mặt nổi khoảng 8.000 ha.
Bộ ảnh Na Hang, sơn thủy hữu tình do nhiếp ảnh gia Nguyễn Tùng Dương, sống và làm việc tại Hà Nội, thực hiện trong một chuyến đi gần đây tới Tuyên Quang.
Mây trôi bồng bềnh trên những hòn đảo đá vôi ở Na Hang, nơi vốn được xem như một vùng đất cổ. Hồ Na Hang xuất hiện trong truyền thuyết là nơi chim phượng hoàng bay về, tạo thành 99 ngọn núi, ngày nay được ví là "Hạ Long cạn giữa đại ngàn".
Mây sớm bao phủ dãy núi, đảo đá vôi khiến người xem ngỡ như lạc vào chốn bồng lai.
Du khách có thể bắt đầu hành trình từ bến thuyền Na Hang để ngao du sơn thủy, khám phá hồ thủy điện, ngắm các đảo đá như núi Pắc Tạ hay núi đá Cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời).
"Na Hang nhìn ở góc nào cũng say đắm lòng người", anh Tùng Dương chia sẻ khi chụp ảnh ở dãy núi soi bóng đối xứng trên mặt hồ.
Cảnh hồ Na Hang nguyên sơ, nước trong xanh như ngọc, ven hồ là những cánh rừng nguyên sinh trải dài.
Hồ Ha Nang không gợn sóng và mang nét riêng ngay cả khi bầu trời chuyển mưa.
Hành trình khám phá hồ Na Hang thường dài 4 - 5 tiếng, ngoài việc ngắm cảnh quanh hồ, du khách có thể dừng chân ở đền Pắc Tạ, hang Phia Vài hay thác Mơ. Với người thích mạo hiểm, thác Khuổi Nhi là nơi không thể bỏ qua.
Trốn phố về với non nước Na Hang khiến lòng người trở nên thư thái.
Theo các tài liệu, rừng nguyên sinh Na Hang gồm những cây gỗ đinh, nghiến, trai quý hiếm hàng nghìn năm tuổi, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Khu bảo tồn này còn giúp bảo vệ nguồn nước cho hồ thủy điện và điều tiết lũ vùng hạ lưu.
Hiện nay, Na Hang hội đủ những yếu tố làm nên quần thể du lịch sinh thái lý tưởng ở Tuyên Quang, khi vừa kết hợp du lịch sinh thái, mạo hiểm và du lịch hồ thủy điện.
Từ trên cao nhìn xuống, hồ Ha Nang ẩn hiện trong màn mây, cuốn hút du khách. Sau hành trình, du khách có thể nghỉ ngơi tại các homestay ở bản Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình. Tại đây, khách ngủ trong nhà sàn truyền thống của người Tày, nghe biểu diễn đàn tính và thưởng thức đặc sản vùng cao với trứng rán lá hôi, thịt lợn mán hay cá nướng bắt lên từ lòng hồ.