Theo dòng chảy của lịch sử …
Dù ở thời đại nào, phụ nữ vẫn phải đối diện với rất nhiều thiệt thòi xuất phát từ cuộc sống, xã hội, hay thậm chí là từ chính nội tại chúng ta.
Về mặt sinh học, theo nghiên cứu của Klerman, G.L. và Weissman, M. M. (1989), phụ nữ có tỉ lệ mắc chứng trầm cảm cao hơn hẳn so với đàn ông. Đặc biệt đối với phụ nữ trưởng thành sau 1945, tỉ lệ mắc trầm cảm nhiều hơn và sớm hơn gấp hai đến ba lần so với nam giới. Con số này tương đồng với tỉ lệ nguy cơ phụ nữ có thể mắc phải chứng bệnh trầm cảm. Tham khảo nghiên cứu của George và đồng sự (1996) cũng cho thấy: Khi buồn, phụ nữ kích hoạt đáng kể hệ limbic của mình so với nam giới và điều này dần phá hủy khu vực có lưu lượng máu dồn lên não, sinh ra chứng trầm cảm.
Xét về khuôn mẫu giới, từ thời phong kiến, với sự ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo, phụ nữ được "đo ni đóng giày" với khuôn mẫu chuẩn mực gắn liền với bốn yếu tố chính bao gồm: Công – dung – ngôn – hạnh. Đến thời chiến và thậm chí kéo dài đến xã hội hiện đại ngày nay, tiếp tục kế thừa khuôn mẫu của thế hệ đi trước, chúng ta lại được giao phó thêm một tầng trách nhiệm kép là phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Người phụ nữ vừa đóng vai trò là một người vợ, người mẹ đảm đang đạt chuẩn công – dung – ngôn – hạnh, vừa phải chói sáng và cứng rắn như một viên kim cương khi đối diện với những thách thức của cuộc đời.
Phụ nữ trở thành một chỉnh thể, được yêu cầu phải dung hòa các cặp yếu tố đối lập như: "Dịu dàng" trong cách ứng xử nhưng phải "mạnh mẽ" trong cách xử lý công việc, "mềm mại" với gia đình nhưng "cứng rắn" ngoài xã hội… Và thế là chúng ta bị đè chặt dưới những chuẩn mực, mang theo một sức nặng không tưởng trong suốt cuộc hành trình của chính mình.
Thế mới thấy ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ còn chưa có ý thức rõ ràng về vấn đề này. Chúng ta vẫn xem những áp lực trên như một điều hiển nhiên mà phụ nữ phải chịu đựng. Và vì vậy, chúng ta chỉ âm thầm gồng gánh, mà không mảy may suy nghĩ để tìm cách khắc phục. Đây là một trong những trăn trở khiến dự án "Thân tâm thông tỏ" của nhóm sinh viên ngành Tâm lý học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhen nhóm ra đời.
Phụ nữ hãy học cách yêu lấy chính mình, trước khi yêu một ai khác
Khi chúng ta chưa thể tự yêu lấy bản thân mình, thì làm sao mong đợi nhận được tình yêu thương và sự nhiệt thành từ người khác. Bởi vì tình yêu với ý nghĩa nguyên sơ nhất, theo một cách nào đó, luôn bắt đầu bằng việc chúng ta tự yêu lấy bản thân mình. Và thái độ chúng ta đối với bản thân cũng chính là là sự phản chiếu chân thực nhất về thái độ mà chúng ta sẽ dành cho người khác (Erich Fromm, 1939).
Từ xưa đến nay, yếu tố ngoại hình phần nào được đánh giá như là tín hiệu của tốt đẹp nội hàm. Theo đó, phụ nữ nên bắt đầu với cái tôi thân thể bằng việc tập thể thao trước, bởi vì mức độ tự trọng sẽ thay đổi tùy theo mức độ hài lòng của cá nhân từ cơ thể của người đó (Samira O., Hilmi J., 2017). Luyện tập thể thao đúng cách sẽ đáp ứng nhu cầu vận động, hoạt động thể chất và mang lại cảm giác thoả mãn giúp cân bằng tâm lý – thể chất của người phụ nữ. Sự thỏa mãn ở đây được sinh ra từ việc phụ nữ tập thể thao có nhận thức tích cực hơn về vóc dáng của mình, cho dù vóc dáng đó có giống như các vóc dáng lý tưởng của xã hội hay không (Furnham, A., Titman, P., & Sleeman, E., 1994).
Thêm vào đó, tập thể thao sẽ khiến cho đầu óc thông minh, sáng láng, trí não hoạt động hiệu quả hơn. Các nghiên cứu khoa học còn cho thấy luyện tập mỗi ngày sẽ giúp sản sinh ra thêm nhiều nơ-ron thần kinh mới, chữa được chứng trầm cảm, mất ngủ và rất nhiều các loại bệnh tâm lý cũng như thể trạng khác mà phụ nữ có thể mắc phải trong guồng quay không ngơi nghỉ của xã hội ngày nay.
Thế nên hãy cho phép bản thân mình được xinh đẹp, bởi vì tiền đề để có thể chia sẻ tình yêu thương là chúng ta phải thật sự có được tình yêu thương, mà trước hết là tình yêu dành cho chính mình. Đừng để những suy nghĩ tầm thường thuyết phục chúng ta rằng bản thân mình chưa đủ tốt hay chúng ta không xứng đáng với những điều tốt đẹp đó. Thực chất những phán xét xấu xí kia chỉ là mặt nạ mà phụ nữ tự đeo lên cho mình.
Chúng ta là những cá thể đặc biệt và duy nhất. Sẽ thật khiên cưỡng nếu chúng ta mãi chạy theo những chuẩn mực của xã hội mà bỏ quên mong muốn ban sơ nhất của chính mình.
Thế nên, phụ nữ hiện đại phải nằm lòng một nguyên tắc: Chúng ta không hy sinh hạnh phúc của mình để làm hài lòng bất kỳ một ai khác. Thay vào đó, chúng ta dành sự quan tâm đến nhu cầu của bản thân, học cách chấp nhận cả những yếu điểm với tâm tình thản nhiên nhất. Chúng ta hoàn toàn có quyền và có khả năng biến cuộc đời này thành một cuộc dạo quanh "với sự hài lòng về hình hài mộc mạc, nguyên bản và khoẻ mạnh của mình".
Mặc kệ cuộc sống có vần xoay, là phụ nữ, hãy hiểu, trân trọng và yêu thương bản thân, sống một cuộc đời như mình mong muốn. Không phải nữ quyền hay nam quyền, sự tồn tại mạnh mẽ nhất ở đây chính là nhân quyền: Quyền được tự do chọn lựa cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc cho chính mình.