Bên cạnh áp lực công việc, học tập hay các mối quan hệ, cảm giác căng thẳng còn có thể đến từ các yếu tố vật lý như ăn uống thiếu chất, ngủ không đủ giấc, mất nước, lượng đường huyết thấp... Tuy nhiên, dù về thể chất hay tâm lý, sự căng thẳng đều tạo ra hormone cortisol.
Huấn luyện viên Lê Minh Phong (Hà Nội) cho biết: "Các vấn đề chỉ bắt đầu phát sinh khi loại hormone này tăng cao mạn tính - lượng hormone trên mức bình thường và trong thời gian dài".
Cortisol là một trong những hormone chính của cơ thể khi đóng vai trò tích cực là làm tăng lượng đường huyết, cung cấp năng lượng để sẵn sàng đối diện với các mối đe dọa xung quanh. Vai trò của hormone này thể hiện rõ nhất khi chúng ta gặp nguy hiểm từ bên ngoài như bị săn đuổi, tấn công...
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của cortisol là làm suy giảm hệ miễn dịch và khả năng sinh sản, đồng thời phá vỡ cấu trúc protein (thường từ cơ bắp) để tạo ra các axit amin, sẵn sàng cho quá trình tổng hợp năng lượng, tái tạo protein mới trong tương lai khi chúng ta không còn căng thẳng.
Hormone cortisol sản sinh quá mức khi chúng ta căng thẳng kéo dài là yếu tố gián tiếp gây béo. Ảnh minh họa: Thesugerstyle.
"Trong ngắn hạn, cortisol giúp chúng ta giải quyết tốt các tình huống nguy cấp ngay lập tức. Tuy nhiên, cuộc sống hiện nay đầy rẫy những tình huống căng thẳng hơn dự tính và không thay đổi qua mỗi ngày", Minh Phong nhận định.
Theo huấn luyện viên này, các áp lực liên tục từ cả tâm lý và thể chất khiến cortisol tăng, dẫn đến lượng đường huyết thường xuyên ở ngưỡng cao. Tình trạng này kéo dài khiến hormone insulin phản ứng lại và làm tăng lượng chất béo tích trữ.
Nguyên nhân là insulin có nhiệm vụ di chuyển lượng đường trong máu vào cơ bắp và mỡ. Tuy nhiên, nếu kho dự trữ của các tế bào cơ đã đầy (khi chúng ta không tập luyện), insulin sẽ lưu trữ đường vào mỡ.
Ngoài ra, cortisol ở ngưỡng cao cũng làm tiêu hao cơ bắp, từ đó giảm khả năng trao đổi chất, đồng thời ức chế các hormone sinh sản thiết yếu như testosterone, estrogen...
Minh Phong kết luận: "Khi kết hợp các điều này cùng hệ thống miễn dịch bị suy giảm, chúng ta sẽ dễ bị ốm, hồi phục chậm hơn, từ đó dễ tăng cân".
Do đó, huấn luyện viên này gợi ý việc tập luyện thể dục thể thao ở cường độ vừa phải có thể giảm căng thẳng đáng kể, đồng thời giúp chúng ta kiểm soát cân nặng, tỷ lệ mỡ. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xây dựng một chế độ ăn phù hợp với bản thân kết hợp các phương pháp thiền, yoga..., nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề xung quanh tới tâm lý.